Vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm, người Dao Thanh Phán ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh lại tới Hội “Kiêng gió. Đây là lễ hội truyền thống, nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, hò hẹn tình yêu lứa đôi. Năm nay, hội “Kiêng gió” được huyện Bình Liêu tổ chức quy mô cấp huyện, diễn ra trong 2 ngày 18, 19/5 dương lịch tại xã Đồng văn. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hội “Kiêng gió” tiếng dân tộc Dao gọi là “mì seèng phẩy hêy dảo” hay còn gọi là “chợ tình” Đồng Văn. Trước đây, Hội chỉ có sự tham gia của người Dao và do người dân các bản tự quy định, tổ chức với nhau. Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Dao, từ năm 2009, xã Đồng Văn xây dựng kế hoạch và đứng ra tổ chức Ngày kiêng gió của người Dao với tên gọi “Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Đồng Văn.”
Các chị em háo hức chuẩn bị trang phục tham gia biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội "Kiêng gió". (http://baoquangninh.com.vn)
|
Nét đặc sắc của “Ngày kiêng gió” là vào ngày này, người Dao Thanh Phán không làm các hoạt động sản xuất, không ra ruộng, không cuốc đất... Họ quan niệm ngày này, dù có làm gì cũng không thuận lợi, dựng nhà thì nhà đổ, làm nương thì cây lúa chẳng trổ bông.... Khi nhà trống người, Thần gió sẽ vào nhà, mang đi những rủi ro của năm cũ, mang đến nhiều điều tốt lành, ấm no, sung túc cho mọi gia đình. Đó là trước kia, ngày nay ngày hội này đã mang bản sắc mới.
Tái hiện lễ đón dâu của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán. (http://baoquangninh.com.vn)
|
Vào ngày này, đồng bào dân tộc Dao khắp các bản làng ở huyện Bình Liêu ra khỏi nhà từ rất sớm và chỉ trở về nhà khi mặt trời đã xuống núi. Họ thường tụ tập ở những địa điểm phong cảnh thơ mộng, hữu tình như ven rừng hay ven suối, thác nước hay đi chợ. Không hẹn mà gặp, sau những ngày lao động vất vả, đồng bào dân tộc Dao thảnh thơi tâm tình, hát cho nhau nghe làn điệu Sán Cố, nam nữ bày tỏ tình yêu lứa đôi, người lao động bàn công việc sản xuất vụ mùa tới. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu, cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc Dao có rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và duy nhất ở Bình Liêu chúng tôi tổ chức ngày hội Kiêng gió. Chúng tôi mong muốn rằng thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy để đưa lễ hội trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Bình Liêu, thu hút khách du lịch. Ngoài giá trị văn hóa truyền thống thì còn thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Bình Liêu”.
Hội “Kiêng gió” năm nay còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như thi kéo co, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, lày cỏ, thêu trang phục bằng tay của phụ nữ người Dao. Dịp này, huyện Bình Liêu tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm truyền thống tại chợ Đồng Văn và hoạt động quảng bá, xúc tiến, đón khách du lịch tham quan các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn. Đến với Hội “Kiêng gió”, chị Dường Tài Múi, người dân huyện Bình Liêu, chia sẻ: “Bây giờ tôi cũng theo tục lệ ngày xưa, xuống chợ chơi thôi. Gặp bạn bè, người thân, chuyện trò vui vẻ, không khí tấp nập lắm. Mọi người ai cũng đi chơi, không có ai làm gì cả, ai cũng thế mà”.
Thi đấu đẩy gậy tại ngày hội Kiêng gió. (http://baoquangninh.com.vn)
|
Chợ Đồng Văn đông vui không chỉ bởi người người mua bán tấp nập, từ con dao, cái cuốc cho tới gói thuốc nam, chiếc khăn thêu, mà còn bởi những câu chuyện rôm rả của các chàng trai, cô gái. Ngày Kiêng gió cũng là ngày để trai gái gặp nhau, hò hẹn, kết duyên. Già trẻ, gái trai cùng nhau say trong hương rượu men lá dịu ngọt.
Những năm gần đây, Hội “Kiêng gió” đã không còn là ngày hội của riêng người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu. Người Dao Thanh Y, người Tày, người Sán Chỉ từ nhiều huyện trong tỉnh Quảng Ninh, cả người Dao kết nghĩa bên kia biên giới ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cũng rộn ràng tới dự hội. Hội “Kiêng gió” là ngày hội văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao của tỉnh Quảng Ninh.