Giao lưu Bìa sách Cùng kể chuyện nghề: họa sĩ kể chuyện minh họa sách

P.Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Khi chưa biết nội dung, nhiều độc giả chọn sách chỉ vì cái bìa."

Trong một chương trình truyền hình gần đây, cũng như trong một số buổi lễ tôn vinh Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - tài nữ kiệt xuất thế kỷ 18, hình ảnh nữ sĩ được sử dụng chính là hình ảnh do họa sĩ Kim Duẩn sáng tác cho bìa cuốn tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi của nhà văn Lê Phương Liên. Một nhân vật lịch sử, nhân dạng chỉ có thể hình dung qua thơ văn điển xưa tích cũ, đã được nhà văn tưởng tượng mô tả, rồi được người họa sĩ họa lại dáng vóc hình hài, và được số đông độc giả, khán giả chấp nhận, điều ấy không phải dễ dàng.

Câu chuyện này được bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ Nữ chia sẻ tại buổi giao lưu Bìa sách Cùng kể chuyện nghề - kết nối với cộng tác viên vẽ bìa do NXB Phụ nữ Việt Nam và Chi hội Đồ Hoạ Việt Nam - Hội Mỹ thuật tổ chức diễn ra sáng 10/05 tại Hà Nội.

Giao lưu Bìa sách Cùng kể chuyện nghề: họa sĩ kể chuyện minh họa sách - ảnh 1Quang cảnh buổi giao lưu.

Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình của Triển lãm Nghệ thuật bìa sách Việt Nam do Chi hội Đồ Hoạ Việt Nam - Hội Mỹ thuật phối hợp với các Nhà xuất bản tổ chức.

Tham gia trưng bày triển lãm bìa sách đẹp qua các thời kì, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức buổi giao lưu này với những người quan tâm tới chuyện bếp núc của việc làm bìa sách.

Ngoài khách mời giao lưu là họa sĩ  Kim Duẩn, người sở hữu bộ sưu tập bìa đẹp với rất nhiều nhà xuất bản, trong đó có Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, thì câu chuyện hậu trường của việc làm bìa sách còn liên quan tới các phòng khác của một nhà xuất bản, từ phòng biên tập tới phòng sản xuất, nhà in, có những câu chuyện vui, những cũng có những câu chuyện cười ra nước mắt.

Giao lưu Bìa sách Cùng kể chuyện nghề: họa sĩ kể chuyện minh họa sách - ảnh 2Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ và họa sĩ Kim Duẩn

Bà Khúc Thị Hoa Phương, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ nhận xét: Khi chưa biết nội dung, nhiều độc giả chọn sách chỉ vì cái bìa. Không phải ngẫu nhiên mà có những người sở hữu một series sách cùng nội dung chỉ vì bìa sách khác nhau. Bìa của một cuốn sách là điều đầu tiên gây ấn tượng với độc giả. Chính vì vậy, việc thực hiện bìa sách là một khâu rất quan trọng đối với người làm xuất bản. Nhưng làm bìa thế nào là đẹp, như thế nào để vừa đúng ý đồ tác phẩm, vừa lôi cuốn được độc giả chú ý, luôn luôn là điều những người làm sách phải trăn trở. 

Giao lưu Bìa sách Cùng kể chuyện nghề: họa sĩ kể chuyện minh họa sách - ảnh 3Họa sĩ Kim Duẩn tại buổi giao lưu

Chia sẻ những chuyện bếp núc của việc làm sách, họa sĩ Kim Duẩn cho biết, anh cũng như một số họa sĩ khác, rất có hứng thú với việc thiết kế bìa sách văn học. Được mời vẽ từ sách thiếu nhi tới sách cho người trưởng thành, mỗi lần tham gia vẽ bìa với anh là một lần khám phá mới, những chia sẻ, đồng cảm với tác phẩm đến đâu sẽ thể hiện qua tác phẩm vẽ, thiết kế bìa. 

Như câu chuyện về trang bìa Nữ sĩ thời gió bụi, cuốn sách Việt hiếm hoi được nối bản khi chưa đến 1 tháng phát hành, nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ sự hài lòng của chính bà – người sáng tác tác phẩm, cũng như bạn đọc, khi bìa cuốn sách đã “đồng thanh tương ứng” cùng nội dung tiểu thuyết.
Giao lưu Bìa sách Cùng kể chuyện nghề: họa sĩ kể chuyện minh họa sách - ảnh 4Họa sĩ Lê Tiến Vượng Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam (bên phải) chia sẻ về công việc làm bìa sách của các họa sĩ.

Tham gia buổi giao lưu, họa sĩ Lê Tiến Vượng Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, để một tác phẩm sách ra mắt bạn đọc thật hoàn mỹ, thật ưng ý, người họa sĩ cũng như người tham gia "chạy tiếp sức" cùng tác giả, biên tập viên... trong hành trình này: “Để có được một tác phẩm bìa sách đúng, trúng, đẹp, người họa sĩ cần phải hiểu sâu, hiểu rộng về đối tượng, thị trường mà mình hướng tới. Trước một cuốn sách chuẩn bị được xuất bản, họa sĩ cần đọc để hiểu nội dung cuốn sách, cần đặt câu hỏi rằng cuốn sách dành cho ai, lứa tuổi nào, cuốn sách sẽ được bán ở đâu, tâm lý người mua thế nào... Thậm chí, họa sĩ phải biết đặt mình vào vị trí người mua để sáng tạo những trang bìa thỏa mãn nhu cầu độc giả và góp phần nâng tầm giá trị cuốn sách”

Bà Khúc Thị Hoa Phượng khẳng định, thông qua câu chuyện “bếp núc” của việc làm bìa sách nói riêng, việc vẽ minh họa, dàn trang cho sách nói chung. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam còn có mong muốn nhân dịp này được mở rộng mạng lưới cộng tác viên mỹ thuật, không chỉ với các họa sĩ đã có vị trí trong làng xuất bản, mà con với các sinh viên ngành mỹ thuật, những người vẽ “tay ngang”, những nhân tài đang ẩn mình đâu đó…

Giao lưu Bìa sách Cùng kể chuyện nghề: họa sĩ kể chuyện minh họa sách - ảnh 5Sự kiện giao lưu nằm trong chuỗi chương trình Triển lãm Nghệ thuật bìa sách Việt Nam đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Về Triển lãm Nghệ thuật bìa sách Việt Nam, tại buổi giao lưu, họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, thị trường xuất bản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Riêng năm 2021 đã có 4 triệu bản sách được phát hành với gần 33.000 đầu sách, doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng. Hằng năm, giới xuất bản đều tổ chức bình chọn giải thưởng sách dành cho các tác giả, người biên tập tác phẩm hay... Mặc dù vậy, từ trước đến nay vẫn chưa có một triển lãm quy mô hay hội thảo nào được tổ chức để ghi nhận, tôn vinh các họa sĩ thiết kế sách, bìa sách. Quyết định tổ chức một triển lãm bìa sách đầu tiên trên toàn quốc của Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã tạo cuộc hội ngộ để chia sẻ về công việc sáng tạo thú vị này.”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu