Sau tập thơ Vợ ơi dành tặng người vợ tào khang nhận được nhiều sẻ chia đồng cảm sâu sắc từ độc giả, nhà thơ Nguyễn Duy tiếp tục trình làng tập Kính thưa liền thị (NXN Phụ nữ ấn hành) như một lời tri ân thành kính gửi tới những người phụ nữ trong cuộc đời này.
Với hơn năm mươi bài thơ đặc sắc viết về phụ nữ, Kính thưa liền thị là một bản tổng hòa các cung bậc cảm xúc: say đắm, yêu thương, kính trọng, biết ơn, thương cảm, xót xa, day dứt, tiếc nuối, ăn năn, hối hận… của một người đàn ông dành tặng một nửa thế giới còn lại. Nguyễn Duy hẳn là người đàn ông rất yêu phụ nữ, nhưng ông không giống những “quý ông TYPN” dễ dàng thốt ra những lời chót lưỡi đầu môi. Phải yêu phụ nữ lắm mới có thể viết ra được những câu thơ gan ruột mà đọc lên ai cũng thấy rưng rưng:
“Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi…”
(Đò Lèn)
hay ngậm ngùi:
“Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu…
…Ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết những lời mẹ ru”
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
và đầy day dứt:
“Giá như ta chớ gặp em
để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng
giá như em đã có chồng
để bòng bong khỏi rối lòng người dưng”.
(Lạng Sơn, 1989)
Kính thưa liền thị có một chút nghịch ngợm, phá cách của một người thi sĩ ưa “làm xiếc” với ngôn từ:
“Kính thưa thị Đốp đoan trang
mòn mom móm mõ gõ khan như gì
thôi mà ngúng ngoẳng nhau chi
già rồi đấy lạy nhau đi là vừa”
…
“Kính thưa thục nữ Thị Màu
yêu siêu cỡ đó trước sau mấy người
mấy ai dám chịu dám chơi
dám ai vỗ cái mặt đời như em”
(Kính thưa liền thị)
đôi khi lại là lời tự thú có phần ranh mãnh của một người đàn ông:
“chắp tay lạy thánh tôi mê cô đồng”
(Đi lễ)
hay lời phân bua đầy trào lộng mà cũng rất đời:
“Chân mây hơi bị cuối trời
Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu”
(Chạnh lòng 1)
Kính thưa liền thị có tiếng reo vui:
“em thanh xuân như ngày xưa của anh ơi”
(Gửi về trường Lam Sơn)
lại có những nốt trầm:
“Lần lữa mãi thế là ta lỡ dại
Để dành thành mất cắp cả tình yêu
Thế là ta mồ côi em mãi mãi
Cái vu vơ chết đuối dưới sương chiều”
(Một góc chiều Hà Nội)
và cả những bất lực xót xa:
“Tôi giấu mặt vào giữa đám đông
tay lần mãi cái hầu bao rỗng lép
chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp
trả vào cái lòng tay trũng như đồng chiêm đang ngửa lên?”
(Thơ tặng người ăn mày)
Bên cạnh niềm thương cảm dành cho những giai nhân:
“Ta dán làm sao hết lỗ thủng định mệnh
em thoát làm sao khỏi cơ chế thị trường
Hậu hoa hậu còn gập ghềnh lắm
thua cũng thương mà thắng cũng thương
Hồng nhan ạ giá ta làm chủ khảo
để em thi với cỏ nội hoa vườn...”
(Hoa hậu vườn nhà ta)
còn có sự trân trọng dành cho một thân phận nổi chìm nơi đầu ghềnh cuối bãi:
“Em về đây từ xa lơ xa lắc
không ngẫu nhiên
và không dại dột
có lẽ nào chỉ để ngủ bình yên
một đêm
rồi tay trắng trở lại nơi xuất phát
Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm
ở đằng sau sự chấp nhận nhọc nhằn…”
(Lời ru từ Mũi Cà Mau)
Kính thưa liền thị thực sự là một món quà đầy thành kính mà nhà thơ Nguyễn Duy dành để tri ân những người phụ nữ trong cuộc đời.