Đồng nát ở Hà Nội, những không gian năng động trong đô thị

Nguyễn Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Ấn phẩm “Đồng nát ở Hà Nội, những không gian năng động trong đô thị” là kết quả của dự án nhóm nghiên cứu trẻ Recycurbs Viet do Viện nghiên cứu phát triển Pháp hỗ trợ từ năm 2016.

“Ai đồng nhôm dép hỏng bán đê..ê..ê!”

Tiếng rao này có lẽ quen thuộc đến nỗi chúng ta coi như một điều hiển nhiên trong cuộc sống tất bật hàng ngày. Những gánh rong đồng nát như len lỏi khắp các ngõ nhỏ, phố nhỏ từ thành phố đến nông thôn với mục tiêu và thông điệp đơn giản, dễ hiểu là mua lại những đồ hỏng, không sử dụng nữa để tiếp tục “tái sinh” chúng trong những vòng tuần hoàn mới.

Vậy đồng nát là ai và làm thế nào cả một hệ thống hàng chục ngàn người lại có thể vận hành nhịp nhàng đến thế?

Ấn phẩm “Đồng nát ở Hà Nội, những không gian năng động trong đô thị” là kết quả của dự án nhóm nghiên cứu trẻ Recycurbs Viet do Viện nghiên cứu phát triển Pháp hỗ trợ từ năm 2016 với mục tiêu cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước những thông tin và góc nhìn về người và nghề Đồng nát trong quá khứ, hiện tại và tương lai với sự xuất hiện của một chính sách môi trường mới với tên gọi Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất.

Đồng nát ở Hà Nội, những không gian năng động trong đô thị - ảnh 1

Ấn phẩm Đồng nát ở Hà Nội, những không gian năng động trong đô thị như một bức tranh toàn cảnh cho chúng ta thấy cách thức những gánh hàng rong nhỏ bé như những mao mạch kết nối thành mạng lưới hệ thống Đồng Nát kết nối với nhau, kết nối với các đô thị, và kết nối với thế giới. Bên cạnh đó, những mẩu chuyện nhỏ về một chị Đồng Nát gánh rong, một bãi phế liệu hay một xưởng tái chế cho chúng ta những bức tranh nhỏ đa sắc màu như sự đa dạng của chính hệ thống này. Những dữ liệu không gian và xã hội học về đồng nát được thu thập và được trình bày đẹp mắt, dễ hiểu và đặc trưng theo lối tiếp cận kiến trúc và quy hoạch đã mang lại cho chúng ta những cơ sở khoa học và cái nhìn tổng quan nhưng cũng rất cụ thể về ngành nghề đặc thù này.

Ấn phẩm này gợi mở xu hướng và viễn cảnh phát triển của hệ thống đồng nát ở Việt Nam và là thông tin rất hữu ích và cần thiết đối với các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra quyết định để bảo đảm khả thi, phù hợp thực tiễn, đặc biệt là trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cuốn sách cũng là ấn bản khoa học thú vị và hữu ích đối với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, các độc giả quan tâm tới các vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Nhân dịp ra mắt sách Đồng nát ở Hà Nội – Những không gian năng động trong đô thị của  tác giả Nguyễn Thái Huyền (chủ biên) cùng các cộng sự, sách do dịch giả Trần Văn Công chuyển ngữ sang tiếng Pháp và dịch giả Vũ Thị Khánh Linh chuyển ngữ sang tiếng Anh, Nxb Khoa học Kỹ thuật ấn hành, ngày 14/1 Viện Pháp tại Hà Nội và Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức toạ đàm “Quá khứ, hiện tại và tương lai của đồng nát ở Việt Nam”. Sau sự kiện có khai mạc triển lãm “ Nhựa: ô nhiễm và giải pháp” (IRD, HAU)

Xoay quanh chủ đề chính của ấn phẩm là Đồng Nát, tọa đàm là một cuộc trò chuyện giữa các tác giả cuốn sách với hai dịch giả phiên bản tiếng Pháp và tiếng Anh mở ra thông tin về người đồng nát và nghề đồng nát ở Việt Nam, vai trò của mạng lưới đồng nát ở Việt Nam và tương lai của họ. Nội dung thảo luận sẽ xoay quanh các vấn đề: đồng nát là ai và vì sao lại gọi là Đồng nát? Đồng nát chỉ có ở Việt Nam hay ở các quốc gia khác cũng có? Những phát hiện của các kiến trúc sư về đồng nát ra sao? Không gian đồng nát là những không gian như thế nào, nhận diện chúng ra sao? Vai trò của đồng nát hiện nay trong bối cảnh xây dựng quy định Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất là thế nào?

Các nội dung thảo luận cũng đồng thời chia sẻ tới những câu chuyện thú vị về lý do và phương thức nghiên cứu về Đồng nát của nhóm tác giả với thành phần chủ yếu là các Kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà cảnh quan.

Tác giả, chủ biên Nguyễn Thái Huyền là Kiến trúc sư, Tiến sĩ Quy hoạch tốt nghiệp ĐH Bordeaux Montaigne, Cộng hoà Pháp. Hiện nay, cô là giảng viên-nhà nghiên cứu tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, phụ trách hệ thống đào tạo Cử nhân-Thạc sĩ-Tiến sĩ ngành Kiến trúc của Pháp tại Việt Nam. Cô đã khởi xướng và chủ trì nhóm nghiên cứu Recycurbs Viet phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) từ năm 2016, điều phối và triển khai nhiều dự án nghiên cứu quốc tế với tiếp cận không gian và xã hội học, thúc đẩy mô hình Living-Lab. Thành viên nhóm tác giả, Nguyễn Thi là chuyên gia pháp chế, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu