Đêm nhạc cổ điển Impressionnisme (Ấn tượng) do bốn nghệ sĩ tài năng Nguyễn Mỹ Hương, Trần Hà Mi, Phan Đỗ Phúc và nghệ sĩ khách mời quốc tế Hsin-Chiao sẽ mang đến sân khấu Viện Pháp vào tối 25/2 nhiều bất ngờ thú vị không chỉ bởi kỹ thuật biểu diễn bậc thầy mà còn bởi lối chơi đầy cảm xúc. Chương trình có các tuyệt phẩm của những nhà soạn nhạc danh tiếng người Pháp như Claude Debussy, Maurice Ravel và Camille Saint - Saëns.
Nghệ sĩ Nguyễn Mỹ Hương và Trần Hà Mi |
Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng và vinh dự được mở màn các hoạt động văn hóa nghệ thuật 2022, năm mới năm Nhâm Dần bằng một đêm nhạc cổ điển đặc biệt. Đó là những tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc Pháp do các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ khách mời trình tấu. Tôi nghĩ đây là cách tuyệt vời để bắt đầu một năm mới với các hoạt động được tiếp tục trở lại. Chúng ta vừa trải qua một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, vì vậy chúng tôi muốn tổ chức một đêm nhạc tuyệt vời như một món ăn tinh thần để dành tặng khán giả. Chương trình còn là minh chứng điển hình cho sứ mệnh của chúng tôi. Đó là tôn vinh các tác phẩm âm nhạc của Pháp và tôn vinh tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam, là cầu nối trao đổi văn hóa và hợp tác Pháp Việt.” -
Nghệ sĩ Nguyễn Mỹ Hương chia sẻ “Chọn tác phẩm Prélude để mở đầu chương trình, các nghệ sĩ cũng muốn mang thông điệp mong muốn một năm mới có những thay đổi ấn tượng, mạnh mẽ và lạc quan đến với tất cả quý khán giả! ”
Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc |
Prélude, Khúc dạo đầu với tiết tấu nhanh, dứt khoát cùng âm hưởng hoà thanh đầy sáng tạo mới mẻ, kỹ thuật chơi đàn điêu luyện đã làm nên một Prélude đặc biệt. Đây chính là đặc trưng của trường phái âm nhạc Ấn tượng và cũng đặt nền móng vững chắc cho các tác phẩm sau này của Debussy.
Khán giả cũng sẽ được thưởng thức các tác phẩm Petite suite. Được Debussy sáng tác khi nhận lời đề nghị viết một tác phẩm mà những người chơi nhạc amateur có thể tiếp cận được, vào thời điểm trước khi ông phát triển hoàn toàn phong cách Ấn tượng của mình.
Gồm bốn phần nhỏ, với các câu nhạc rõ ràng và hình thức gãy gọn, âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng, lãng mạn, dễ nghe và dễ gần với đại đa số công chúng, tác phẩm dành cho bốn tay chơi trên một piano này cho thấy sự ảnh hưởng của các nhà soạn nhạc opera trữ tình người Pháp Gounod và Massenet.
Sonate cho song tấu violon và cello được Maurice Ravel viết dành tưởng nhớ tới nhạc sĩ Claude Debussy qua cách thức mượn một vài ý tưởng và chất liệu âm nhạc trong các tác phẩm thời sau của ông. Trong bản sonate này Ravel sử dụng lối viết trưởng-thứ tương tác kết hợp đan xen, kỹ thuật kéo - gẩy chuyển đổi nhanh và liên tục của 2 nhạc cụ violon và cello tạo màu sắc tương phản, kịch tính, mang đến cảm giác lạ lẫm, thú vị cho người nghe.
Nghệ sĩ piano Hsin-Chiao |
Tác phẩm "Introduction etRondo Capriccioso" được chọn trong chương trình lần này là một trong tác phẩm nổi bật của nhạc sĩ Camille Saint-Saëns mà ông đã viết dành tặng cho nghệ sĩ violon tài ba người Tây Ban Nha - Pablo de Sarasate. Tác phẩm không chỉ mang tính phô diễn kỹ thuật của cây đàn violon, những giai điệu trầm buồn ở phần mở đầu Introduction hay các câu đối đáp với chuyển động tiết tấu, màu sắc nhanh của 2 nhạc cụ violon và piano ở phần Rondo đều hấp dẫn khán giả, dễ nghe, dễ nhớ.
Tác phẩm Gaspard de la nuit của Ravel có một xuất xứ khá thú vị: năm 1842, Aloysius Bertrand xuất bản Gaspard de la nuit, một tuyển tập thơ khá đen tối, sử dụng ngôn ngữ của nỗi sợ hãi, kinh hoàng. Lấy cảm hứng từ tuyển tập thơ này, Ravel chọn ra ba bài thơ và vẽ nên ba bức tranh bằng âm nhạc. Ba chương miêu tả sự quyến rũ, ma quái của một con thuỷ tinh, một thế giới quái dị xung quanh một cái xác treo cổ, và sự ám ảnh, sợ hãi gây ra bởi một con quỷ. Khi sáng tác Gaspard de la nuit, Ravel đã kỳ vọng tác phẩm của ông sẽ vươn tới đỉnh cao của kỹ thuật piano - thậm chí còn hơn cả tác phẩm khủng khiếp khó nhằn Islamay của Balakirev. Nhờ vào bản Gaspard de la nuit của Ravel, mà giờ đây các nhạc sĩ cũng như nghệ sĩ piano có thêm “tài nguyên” kỹ thuật để tạo ra những hiệu ứng và cảm xúc mới.
Tác phẩm Sonate pour violoncelle của Debussy: Năm 1914, nhà xuất bản Jacques Durand động viên Debussy sáng tác một bộ sáu bản sonate cho các loại nhạc cụ khác nhau, như một sự tưởng nhớ tới những nhạc sĩ Pháp từ thế kỷ 18. Debussy đã lấy cảm hứng từ hai nhà soạn nhạc thời kỳ Baroque là Couperin và Rameau, cùng những tác động nhất định từ Thế chiến thứ nhất đang diễn ra. Trong một bức thư gửi tới chỉ huy Bernard Molinari, Debussy giải thích rằng bộ sáu bản sonate sẽ sử dụng các tổ hợp nhạc cụ khác nhau, và bản sonate cuối cùng sẽ sử dụng tất cả các nhạc cụ từ năm bản trước đó. Tuy nhiên, Debussy đột ngột mất vào 25/3/1918 đã khiến dự án bị bỏ dở; ông chỉ hoàn thành được ba trên sáu bản sonate. Những bản này đã được xuất bản bởi Jacques Durand và được đề tặng cho người vợ thứ hai của Debussy, bà Emma Bardac. Bản sonate cho cello và piano, sáng tác năm 1915, khá nổi bật bởi sự ngắn gọn, súc tích, phần trình diễn toàn bộ bản sonate chỉ kéo dài vỏn vẹn 11 phút. Bản sonate này đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển nhất trong kho tàng tác phẩm cho cello.