Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn sách: Cuộc chiến tranh thần kỳ của tác giả, đại tá Nguyễn Đăng Song nhân kỷ niệm 75 năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Nhiều năm chọn chọn lọc, sưu tầm, dịch và biên dịch các tư liệu, tài liệu, cuốn sách ra đời chính là sự nhắc nhớ về một sự kiện không quên của nhân loại, đồng thời tri ân đất nước Xô Viết, mà tác giả coi là quê hương thứ hai của mình. Những chia sẻ của ông sẽ giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn về sự vĩ đại của cuộc chiến:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cầm trên tay cuốn sách, lật giở từng trang với sự trân trọng, từng dòng, từng chữ như một thước phim ghi lại bản hùng ca kéo dài 1418 ngày với những trận đánh bi hùng ở pháo đài Brest, các thành phố anh hùng Moscow, Leningrad(nay là St-Petersburg, Stalingrad, Kiev…, những chiến công quả cảm của những con người hy sinh bảo vệ mảnh đất quê hương. Đúng như đại tá Nguyễn Đăng Song nhận định:“Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại gần 27 triệu người dân đã chết, tức là 40%.Nếu giành cho mỗi người 1 phút mặc niệm, thì phải cần 52 năm để làm việc đó. Chiến tranh gây cho Liên Xô thiệt hại về vật chất 679 tỷ Rup trước chiến tranh, quy đổi hiện nay hàng ngàn tỷ đô la. Tôi cho rằng, dù thời gian lùi xa, dù nhiều biến động trên thế giới, Liên bang Xô Viết không còn, nhưng chiến công bất diệt của nhân dân Liên Xô sống trong ký ức nhân loại”
|
Để có được một cuốn sách mang tới cho độc giả những tư liệu khá tổng hợp về cuộc tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân Xô Viết, đại tá Nguyễn Đăng Song đã có một thời gian chuẩn bị khá lâu, và cũng không phải dễ dàng vì như ông nói không phải là chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này: “Cá nhân tôi không phải chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này thực sự rất khó. Nhưng với tấm lòng tri ân những người thầy, người cô đã dạy dỗ chúng tôi, từ lâu, tôi đã có sự chuẩn bị nhất định cho sự ra đời cuốn sách này. Tôi viết rất nhiều bài về Liên Xô, những tấm gương hy sinh, chiến đấu của người dân LX trong nhiều năm nay. Cuốn sách là sự tập hợp tất cả các vấn đề tôi tìm, đọc viết dịch, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng chục năm nay”.
Là một trong số những nam nữ thanh niên được cử sang Liên Xô học tập sau khi đất nước thống nhất, tác giả cho rằng, mình khá may mắn được tới đất nước của xứ sở Bạch Dương, nơi ghi dấu nhiều địa danh của cuộc chiến tranh Vệ quốc, nơi có nền văn hóa lâu đời được thế giới ngưỡng mộ. Và khi trở về, công tác ở một Viện nghiên cứu của Quân đội lại cho ông có điều kiện tiếp cận với các tư liệu thời Xô Viết. Với vốn tiếng Nga ông khiêm tốn nói rằng “ đủ dùng”, đã giúp ông hình thành ý tưởng của mình : “Tôi may mắn trong quá trình công tác có điều kiện tiếp cận với các tư liệu của nước ngoài, trong đó có tài liệu Nga, Liên xô trước đây. Với người đã công tác ở Nga về, vốn tiếng Nga gọi là tạm đủ để có thể chuyển tải sang ngôn ngữ tiếng Việt. Cộng thêm có sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, gia đình, người thân để có cuốn sách”.
Đại tá Nguyễn Đăng Song, tác giả cuốn sách |
Trong cuốn sách có khá nhiều câu chuyện về những người anh hùng, những con người đã trực tiếp tham gia và đóng góp vào chiến thắng vang dội. Đại tá Nguyễn Đăng Song chia sẻ cách tập hợp tư liệu, tài liệu và dịch để có được những thông tin chính xác mà ông đã làm với tất cả sự say mê: “Nhiều năm trời cộng tác với các báo. Trong đó, có hồi ký của các vị tướng lĩnh nổi tiếng của Liên Xô đã từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những vị cầm quân hàng đầu như nguyên soái Zhukov, nguyên soái Vasilevsky, nguyên soái Rokossovsky. Vốn dĩ là người làm công tác nghiên cứu trong quân đội, tôi cẩn thận đối chiếu, với những tư liệu, tài liệu từ thời kỳ Xô Viết như từ điển bách khoa toàn thư, từ điển quân sự bách khoa Xô Viết, kể cả bản đồ, kể cả diễn biến các trận đánh”.
Từng trang trong cuốn sách, từng câu chuyện, đại tá Nguyễn Đăng Song đọc và dịch luôn ra tiếng Nga thành thạo. Phải là một con người yêu đất nước Xô Viết, nền văn hóa Xô Viết như thế nào mới giúp ông có được sự tìm tòi, nghiên cứu để viết nhiều bài báo và cuối cùng là chắp búp để ra đời cuốn sách. Cũng như ông chia sẻ đó là lòng biết ơn vô hạn với đất mẹ và tri ân cho Tổ quốc thứ hai của mình:“Tôi nghĩ là tôi sẽ nói lên ý kiến chung của rất nhiều người đã từng được học ở Liên Xô là Liên Xô là quê hương, là tổ quốc thứ hai của tôi. Trong tâm khảm của mình, đặc biệt những người may mắn được sống và học tập tại Liên Xô luôn nghĩ tới với lòng biết ơn vô hạn. Cá nhân tôi, tập hợp, nhờ các bạn xuất bản cuốn sách là sự đóng góp bé nhỏ, sự tri ân với Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi ăn học, trưởng thành. Người dân Liên Xô cưu mang chúng tôi giúp chúng tôi học tập và cống hiến cho đất nước”.
Chia tay ông, tác giả của cuộc chiến tranh thần kỳ, trong tôi vẫn liên tục nhớ đến hai từ tri ân mà ông đã nói rất nhiều lần. Và độc giả sẽ hiểu hơn về đất nước Xô Viết với những ký ức còn mãi đến hôm nay đúng như nhà thơ, nhà văn Liên Xô Robert Rozhdestvensky từng viết khi nhắc tới cuộc chiến tranh Vệ quốc: Hãy nhớ tên từng người…/ Điều đó không cần cho người đã chết/ Điều đó cần cho người đang sống.