Gần 400 hiện vật khảo cổ của Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Reiss-Engelhorn ở thành phố Mannheim thuộc bang Baden-Wuerttemberg, Tây Nam nước Đức. Đây là điểm triển lãm thứ ba và cũng là điểm cuối cùng của cuộc trưng bày, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức (2011-2017), để giới thiệu văn hóa Việt Nam tới công chúng Đức.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. ( Thu Hoa/VOV5)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cuộc triển lãm bảo vật khảo cổ Việt Nam tại Bảo tàng Reiss-Engelhorm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 16/92017 đến ngày 7/1/2018. Trong không gian của khoảng 500m2 tại tầng 2 của Bảo tàng Reiss-Engelhorm là gần 400 hiện vật khảo cổ Việt Nam từ thời kỳ kim khí cho đến thời Nguyễn năm 1945. Đó là những chiếc nha chương tuyệt đẹp bằng ngọc thạch, những linh vật huyền thoại bí ẩn bằng đá và đất nung, những chiếc trống lớn được đúc bằng đồng từ khuôn đất. Vỏ thuyền, những trống đồng lớn, đồ tùy táng, giáo bằng ngọc... cũng là những báu vật mà những người đến thăm triển lãm "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" được tận mắt chứng kiến.
Cuốn sách Báu vật khảo cổ Việt Nam ( phía trên, bên trái). ( Thu Hoa/VOV5)
|
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi lựa chọn trưng bày theo lịch trình thời gian, từ thời đồ đá đến thời đồ đồng, đến thời phong kiến của Việt Nam. Rồi phía Đức cũng bổ sung các làng nghề truyền thống và một phần đương đại. Đồng thời với lịch trình các triều đại Việt Nam thì còn trưng bày theo các vùng văn hóa Việt Nam. Ví dụ phía Bắc có văn hóa Đại Việt mà rực rỡ nhất là văn minh Đông Sơn. Miền Trung thì có văn hóa Chăm pa mà rực rỡ nhất là Sa Huỳnh và Chăm pa. Miền Nam thì rực rỡ của văn hóa Óc eo và Phù Nam. Thông qua các vùng văn hóa người ta thấy một Việt Nam phát triển liên tục từ thời cổ đại cho đến bây giờ và một nước Việt Nam đa dạng về văn hóa và có sự hợp nhất, đoàn kết, thống nhất trong sự đa dạng, phong phú ấy".
Trước đó, các hiện vật khảo cổ Việt Nam đã được trưng bày tại Viện bảo tàng khảo cổ LWL ở thành phố Herne, bang Nordrhein - Westfalen trong thời gian từ ngày 7/10/2016 - 26/2/2017 và Bảo tàng Khảo cổ thành phố Chemnizt thuộc bang Sachsen, từ ngày 30/3 - 20/8/2017. Giám đốc Viện bảo tàng khảo cổ LWL ở thành phố Herne, bang Nordrhein-Westfalen, Tiến sỹ Josef Mühlenbrock, đánh giá đây là một trong những cuộc triển lãm thành công nhất của Viện bảo tàng khảo cổ LWL.
Những trang sách Báu vật khảo cổ Việt Nam ( Thu Hoa/VOV5)
|
Cùng với cuộc trưng bày hơn 400 cổ vật của Việt Nam tại 3 bảo tàng ở Đức, các nhà khoa học Việt Nam và Đức đã hợp tác xuất bản cuốn sách “Báu vật khảo cổ Việt Nam” với các nội dung liên quan đến cuộc trưng bày này.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường cho biết thêm: "Trong cuốn sách, chúng tôi có điều kiện nói nhiều hơn, kể nhiều hơn về văn hóa Việt Nam ở các bài viết của các chuyên gia người Đức, người Việt. Người xem cuốn sách có thể có thời gian để suy ngẫm nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn. Có thể nói hai thực thể trong một chương trình, một thực thể trực giác, bằng hiện vật trưng bày và một thực thể bằng ngôn ngữ trong cuốn sách này nó hợp lại thành một chương trình rất hiệu quả và tiếp cận rất tốt với người quan tâm đến chương trình này".
Để các báu vật khảo cổ Việt Nam kể được câu chuyện văn hóa Việt Nam trên nước Đức, các nhà khoa học Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức đã mất tới 9 năm trời chuẩn bị và vượt qua vô vàn khó khăn. Nhưng bù lại, khoảng hơn 100 nghìn lượt người Đức và kiều bào tại đây đã được tận mắt chiêm ngưỡng hơn 400 hiện vật khảo cổ, cũng như hiểu biết rõ hơn về truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời của Việt Nam. Cuộc trưng bày hiện vật khảo cổ Việt Nam sẽ kết thúc vào đầu năm 2018 nhưng các giá trị của nó vẫn được tiếp tục quảng bá thông qua cuốn “Báu vật khảo cổ Việt Nam” phát hành tại Đức.