Sáng nay (26/8), tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên tổ chức hội thảo khoa học về Giải pháp bảo tồn văn hóa sử thi Êđê, Jarai trên làn sóng phát thanh tiếng dân tộc thiểu số tại VOV Tây Nguyên.
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: VOV |
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về cơ sở lý luận, thực trạng bảo tồn văn hóa sử thi Êđê, Jarai, vai trò quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn sử thi Tây Nguyên. Các đại biểu thống nhất quan điểm rằng thời gian qua, sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi Êđê, Jarai nói riêng, đã được quan tâm, bảo tồn với nhiều hình thức, như: phổ biến rộng rãi trên phát thanh, truyền hình, mạng Internet, giảng dạy trong nhà trường, truyền dạy trong cộng đồng cũng như tổ chức các hội thi, chương trình giao lưu, ngày hội văn hóa. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, giải pháp bảo tồn phổ biến nhất hiện nay là giải pháp về giáo dục và thông qua truyền thông:Lâu nay, dự án sử thi là sưu tầm, biên dịch, công bố, nhưng số lượng sử thi của các dân tộc tại Tây Nguyên, trong đó có Êđê, Jarai rất khiêm tốn so với trữ lượng mà chúng ta sưu tầm được. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục có tiếng nói đề nghị trao truyền lại di sản này về cho cộng đồng và vai trò của VOV là một trong những đơn vị cực kỳ quan trọng nếu chúng ta được tiếp nhận kho tàng này. Chúng ta không chỉ sử dụng nguồn dữ liệu này để dịch ra phục vụ cho phát thanh mà chúng ta còn có một kho tư liệu để số hóa, quảng bá, bảo tồn không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
Sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi Êđê, Jarai nói riêng được biết đến là một thành tựu độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là loại hình văn học dân gian truyền miệng, thể hiện phong tục, tập quán, tính ngưỡng, lịch sử của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.