Hát Then được biết đến là một di sản văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật của Hát Then, các địa phương đã, đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển hát Then thành một không gian văn hóa với sự phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn và tìm lại những điệu hát đã bị mai một.
Hát then tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: congluan.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ VI vừa diễn ra tại tỉnh Hà Giang thu hút rất đông sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ 14 tỉnh, thành trên cả nước. Trong những ngày diễn ra liên hoan, những âm thanh của đàn Tính, lời Then đã vang lên khắp các bản làng từ thành phố Hà Giang đến những con đường quanh co trên Cao nguyên đá Đồng Văn… làm say đắm biết bao du khách và đồng bào các dân tộc nơi đây.
Tham gia Liên hoan vừa qua có rất nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ hát Then ở mọi lứa tuổi… Có những nghệ nhân đã trên 90 tuổi nhưng có những nghệ sỹ rất trẻ khi tuổi đời còn chưa đến đôi mươi, điều này cho thấy sức sống ngày càng mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này. Bạn Trần Thành An, 19 tuổi, thành liên của Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Cao Bằng, cho biết đã học hát Then từ năm 14 tuổi. Tuy là người dân tộc Kinh nhưng 5 năm trước, Trần Thành An bắt đầu học tiếng dân tộc Tày và học đánh đàn Tính. Trần Thành An chia sẻ: "Em đã nghe hát Then từ bé, chất Then đã ngấm trong người và khi lớn lên mới nhận thấy mình yêu Then, tình cảm với Then ngày một lớn hơn… Từ đó bắt đầu em đi tìm học Then. Do có mẹ là người dân tộc Tày và sinh sống ở Cao Bằng, nghe hát Then từ bé nên việc học cũng dễ hơn. Từ lúc bé cứ nghe hát Then là chạy đến để nghe và tình yêu với Then cứ như vậy lớn lên".
Hát then, đàn tính trong nghi lễ lẩu then - Ảnh: quangninh.gov.vn
|
Làn điệu Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng, đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc nói chung. Chính vì vậy những năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương có di sản Then tổ chức nhiều cuộc Liên hoan hát Then, Tọa đàm, Hội thảo nhằm mục đích tìm ra phương hướng bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả giá trị di sản Then. Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang, Ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ VI, cho rằng: "Nhận thức của người dân đã được nâng lên vì qua Liên hoan thấy được nhiều làn điệu Then cổ đã được giữ gìn. Từ những nghệ nhân hát Then cao tuổi đã truyền dạy cho thế hệ trẻ và thế hệ trẻ tiếp nhận rất trách nhiệm và sâu sắc, từ sự cảm nhận. Phải thực sự biết thì mới trình diễn được hát Then. Tuy một số làn điệu Then cổ đã bị mai một vì vậy chúng ta không có kế hoạch, phương án bảo tồn sẽ bị mất đi bởi đây là điều rất cấp thiết cho di sản này".
Để bảo tồn và phát huy di sản Then, từ năm 2002 đến 2016, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phong danh hiệu nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân, nghệ sỹ hát Then và từ năm 2015, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân Then. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều hoạt động liên quan nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ Then như: kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa, sưu tầm, thu thanh, ghi hình các tư liệu do các nghệ nhân Then cao tuổi thực hiện. Đồng thời dịch thuận, in ấn, cũng như sưu tầm hiện vật liên quan đến Then để trưng bày, phát huy giá trị di sản tại các bảo tàng ở địa phương. Bên cạnh đó, các lớp truyền dạy hát Then- đàn Tính và nghi lễ Then cũng được thực hiện tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh có di sản Then. Không chỉ 14 tỉnh, thành phố có di sản Then, thậm chí ở cả những tỉnh có sự lan tỏa di sản Then, những hoạt động này cũng được thực hiện.
Tiết mục biểu diễn của đoàn Hà Giang tại liên hoan hát then vừa được tổ chức tại Hà Giang - Ảnh: Báo Hà Giang
|
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hoành Loan, nguyên Viện Trưởng Viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho rằng: "Qua 6 lần tổ chức Liên hoan, hát Then ngày càng được công chúng trong nước và nước ngoài chú ý và loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc ngày càng được tôn vinh, bảo tồn, phát triển. Tất cả những nghệ nhân, người hát Then đem đến liên hoan là những giọng hát đặc sắc, những bản Then hay nhất. Việc bảo tồn Then ngày này không còn hóc búa nữa mà nó đang hiện hữu trong xã hội, tồn tại dĩ nhiên trong cuộc sống. Chúng ta có thể yên tâm chờ đón thế giới vinh danh hát Then là Di sản đại diện của nhân loại. Tôi rất hy vọng qua những lần liên hoan này như một cuộc chào đón cho Hồ sơ quốc gia đang đệ trình UNESCO. Qua liên hoan, lớp Then trẻ đã ra đời, với các bạn rất trẻ nhưng hát Then rất tuyệt vời".
Nghi lễ Then là một trong những loại hình văn hóa mà trong đó hội tụ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống khác nhau, như thơ ca dân gian, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật trang trí, cho đến các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị của nghi lễ Then hiện nay là việc làm hết sức cấp thiết, nhất là khi các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao nói chung và Then của người Tày, Nùng, Thái nói riêng đang đứng trước sự mai một bởi quá trình hiện đại hóa, quá trình giao lưu văn hóa.