Người dân làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum sử dụng cồng chiêng và múa xoang trong ngày hội làng - Ảnh: VOV |
Hội thảo đánh giá thực trạng quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên do Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức ngày 12/4, tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Suốt gần 16 năm sau ngày Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền cùng ngành Văn hóa 5 tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đáng quý nhất là hiện nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống vẫn được người dân bản địa bảo tồn lưu giữ, thực hành ngay trong cuộc sống thường ngày. Cùng với đó, hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, kỹ năng chỉnh chiêng… đã được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn người. Điển hình như ở tỉnh Kon Tum, trong số 622 làng đồng bào dân tộc thiểu số thì có tới trên 500 làng có cồng chiêng, với số lượng lên tới hơn 2.100 bộ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và đề xuất các biện pháp như: có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trợ cấp háng tháng, hàng quý cho các nghệ nhân, người có công đóng góp vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó tập trung cho công tác truyền dạy, tổ chức truyền thông; tạo điều kiện bố trí nguồn lực để các địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển nâng cao đời sống người dân.