Huế, kinh đô của triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam với 143 năm tồn tại, đã lưu giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng, tẩm, phủ đệ, cảnh quan thiên nhiên, nhà vườn, văn hoá ẩm thực, các loại hình nghệ thuật âm nhạc và lễ hội truyền thống đặc sắc. Sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị di sản văn hóa này trong hơn 20 năm qua đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Đại nội Huế nhìn từ bên ngoài - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Nghe âm thánh bài viết tại đây:
Quần thể di tích cố đô Huế là di sản quốc gia đầu tiên của Việt Nam được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Khoa học Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa vật thể của nhân loại từ năm 1993. Cùng với Di sản cố đô Huế, UNESCO còn công nhận 4 Di sản gắn liền với cố đô Huế, bao gồm Di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế là các di sản văn hóa phi vật thể và di sản ký ức trong các năm 2003, 2009, 2014 và 2016.
Những năm qua, Việt Nam có sự quan tâm rất đặc biệt đối với quần thể di tích cố đô Huế và các di sản phi vật thể liên quan. Kể từ khi Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án quy hoạch, bảo tồn và khai thác phát huy giá trị di tích cố đô Huế trong các thời kỳ 1996-2010; 2010-2020. Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết: "Từ năm 1996 đến nay đã 22 năm rồi và có thể nói là việc đầu tư cho di sản văn hóa Huế so với các quần thể di sản khác ở Việt Nam luôn ở mức hàng đầu. Chúng tôi tính là trong 22 năm qua, nhà nước đầu tư khoảng hơn 1500 tỷ đồng cho công tác trùng tu, bảo tồn, nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, phát huy giá trị di sản Huế và mức đầu tư này ngày càng được tăng lên. Trước đây, chúng tôi trông đợi nhiều nguồn đầu tư từ trung ương, từ tài trợ quốc tế, nhưng sau này với nỗ lực của mình thì càng ngày chúng tôi càng đảm đương đến 80% nguồn đầu tư trực tiếp trong công tác bảo tồn, khai thác, phát huy di sản".
Một tấm mộc bản Triều Nguyễn khắc dở đang được lưu trữ tại trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (đóng tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh: sggp.org.vn
|
Theo đánh giá của UNESCO, Bộ Thể thao Văn hóa Du lịch và Hội đồng Di sản quốc gia, Di sản cố đô Huế là nơi được trùng tu, giữ gìn và phát huy một cách bài bản nhất trong số các di sản thế giới được công nhận ở Việt Nam. UNESCO đã nhiều lần đề nghị xây dựng Huế trở thành một trung tâm chuẩn mực về trùng tu di sản văn hóa thế giới ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đó chính là thể hiện sự đánh giá rất cao của UNESCO đối với quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cố đô Huế.
Điều đáng nói là song song với việc bảo tồn khai thác và phát huy giá trị di sản vật thể cố đô Huế thì Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế luôn quan tâm khai thác bảo tồn các di sản phi vật thể của cố đô Huế. Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm: "Phải nói rằng các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Huế rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm và phục hồi nó, cái quan trọng nhất để làm nó sống trong đời sống đương đại chính là cách khai thác, phát huy các giá trị của nó một cách phù hợp. Đến nay, với Nhã nhạc Cung đình Huế và các lễ hội Cung đình Huế, chúng tôi đã cố gắng phục hồi và tạo ra các môi trường diễn xướng cho nó hoạt động. Ví dụ phục hồi gắn với các nghi lễ cung đình thì chúng tôi phục hồi lễ tế Đàn Nam giao, lễ tế Đàn Xã Tắc rồi các nghi lễ đổi gác, tổ chức thiết triều trong cung và các nghi thức khác, tức là chúng ta tái tạo môi trường diễn xướng cho các hoạt động văn hóa phi vật thể tái hiện, giúp cho những người trong thế giới đương đại hiểu, hình dung được bối cảnh ngày xưa như thế nào".
Nhã nhạc Cung đình Huế được phát triển với sự đa dạng và phong phú về thể loại - Ảnh: thegioidisan.vn
|
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế còn tổ chức biểu diễn các làn điệu đại nhạc trên sân đại triều của điện Thái Hòa, sân Thế tổ Miếu hay trong nhà hát Duyệt Thị Đường để du khách có thể tiếp nhận được các di sản văn hóa phi vật thể theo hướng cách điệu. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được đưa vào trường học để học sinh tiếp cận, tìm hiểu. Trong các dịp Festival, chất liệu của các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sử dụng trong các phần trình diễn, vở diễn, show diễn để đưa di sản đến gần với công chúng hơn.
Công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Huế trong hơn 20 năm qua là kết quả của việc phát huy nội lực kết hợp với việc huy động rộng rãi sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng trong và ngoài nước. Công cuộc này đang được vận hành đúng quỹ đạo và đạt được những kết quả đáng tự hào nhằm bảo tồn bền vững di sản văn hóa Huế cho các thế hệ tương lai.