Các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế không chỉ là nơi sản xuất của người dân vì mục đích kinh tế mà còn là nét văn hóa của vùng đất sản sinh ra nó. Phát triển làng nghề phục vụ du lịch là một trong những hướng ưu tiên của chính quyền nhằm phát triển kinh tế xã hội ở các vùng quê.
Biểu diễn nghề chằm nón ở Festival Huế 2018 - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiệm ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn là đơn vị giới thiệu về nghề chằm nón ở Festival Huế 2018. Trước đó, cơ sở này cũng đã tham gia Festival nghề truyền thống Huế năm 2017. Tại các gian hàng của cơ sở, khách không chỉ được tận mắt chứng kiến sự khéo léo của người phụ nữ Huế trong nghề chằm nón mà còn được trực tiếp tham gia các công đoạn làm ra nón lá.
Bà Nguyễn Thị Kiệm, thuyết minh viên của cộng đồng du lịch xã Thủy Thanh - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Bà Nguyễn Thị Kiệm, thuyết minh viên của cộng đồng du lịch xã Thủy Thanh, cũng là người giới thiệu về nghề chằm nón ở xã Thủy Thanh cho biết: "Nghề chằm nón ở quê tôi có hàng trăm năm rồi. Người già truyền nghề và người trẻ nối nghề. Có một giai đoạn, nghề chằm nón bị mai một nhưng giờ đây chúng tôi đã khôi phục để phục vụ khách du lịch và cung cấp nón cho các chợ. Thêm nữa là du khách muốn trải nghiệm thì họ tới, chúng tôi hướng dẫn cho họ các công đoạn làm nón và họ được trực tiếp tham gia làm nón, từ việc ủi lá, xếp lá, lên khuôn, chằm nón.... rất tỷ mỉ, công phu".
Du khách khi đến Thừa Thiên Huế thường có nhu cầu đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề truyền thống và các làng du lịch sinh thái. Cũng như ở nhiều địa phương khác, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái ở vùng quê Thủy Thanh đang ngày càng thu hút nhiều du khách tới thăm. Xã Thủy Thanh đã thành lập đội du lịch cộng đồng để phục vụ du khách. Bà Nguyễn Thị Kiệm cho biết thêm: "Đã nói hai tiếng cộng đồng thì chủ yếu người dân làm du lịch. Bước đầu thì cũng còn nhiều khó khăn do mới lạ quá, mới thực hiện từ tháng 11-2015 đến nay. Lúc đầu thì người dân không biết gì về làm du lịch cả, sau thì dần dần họ được tập huấn, giao lưu, trao đổi nên họ cũng mở các hoạt động du lịch trải nghiệm ở ruộng, vườn, các cơ sở làng nghề để khách đến thăm. Khách muốn trải nghiệm ở làng nghề hay các điểm sinh thái thì mình đưa họ đi. Họ muốn nghỉ đêm thì mình lo chỗ cho họ nghỉ".
Biểu diễn nghề chằm nón ở Festival Huế 2018 - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, du lịch làng nghề nông nghiệp đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống do ngoài việc có phân xưởng để chuyên sản xuất, các làng nghề còn cần thiết kế riêng một khu vực trình diễn, trải nghiệm để du khách được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm. Do đó, nhiều trong số 69 làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế đang trong quá trình đổi mới kết hợp giữa sản xuất và phục vụ du lịch để phát huy các giá trị của làng nghề. Phát triển du lịch làng nghề gắn với sản xuất nông nghiệp cũng là một hướng đi quan trọng của các địa phương.
Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị xã Hương Thủy, cho biết định hướng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và làng nghề của địa phương: "Về nông nghiệp, hiện tại chúng tôi vẫn tập trung vào cây lúa nhưng quan điểm của chúng tôi là tập trung nâng cao chất lượng lúa gạo để trở thành hàng hóa. Ở trên địa bàn huyện, chúng tôi đã có một vài thương hiệu gạo ngon, đặc biệt là thương hiệu gạo Thủy Thanh. Rồi các loại cây khác như cây thanh trà, cũng được tập trung hình thành cánh đồng lớn, cũng là một sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn. Công việc còn lại của chúng tôi là đăng ký xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch. Kế hoạch năm 2018 là đăng ký xây dựng thương hiệu du lịch chợ quê cầu ngói Thanh Toàn, mở rộng không gian nơi này để đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách".
Nón lá được trang trí đẹp mắt tại nhiều không gian trong dịp Festival Huế 2018 - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Việc khôi phục, phát triển làng nghề phục vụ du lịch, không chỉ phụ thuộc vào chính quyền địa phương và các ngành hữu quan mà còn là trách nhiệm rất lớn của cộng đồng, của chính những người thợ làng nghề đang trực tiếp gìn giữ, phát huy nghề truyền thống. Để khai thác các làng nghề gắn với du lịch một cách hiệu quả, các làng nghề nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang hướng tới vừa khôi phục, phát triển; vừa đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề. Điều này giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề có hiệu quả, đồng thời phát triển du lịch tốt hơn để nâng cao đời sống kinh tế của người dân.