Bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam trong lễ hội truyền thống

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam là quốc gia có sự đa dạng và phong phú các hình thức lễ hội, đặc biệt mùa Xuân là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội ở khắp các địa phương trong cả nước. 

(VOV5) - Việt Nam là quốc gia có sự đa dạng và phong phú các hình thức lễ hội, đặc biệt mùa Xuân là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội ở khắp các địa phương trong cả nước. Người dân là chủ thể của lễ hội, góp phần quan trọng vào thành công của lễ hội. 

Bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam trong lễ hội truyền thống - ảnh 1
Lễ hội Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình (Ảnh Internet)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có khoảng 8.000 lễ hội (trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian, hơn 330 lễ hội lịch sử cách mạng, hơn 540 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam). Nhu cầu tổ chức lễ hội đã lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt là loại hình lễ hội văn hóa du lịch. Việc bảo tồn và tổ chức lễ hội truyền thống với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân góp phần tích cực trong giao lưu, hòa nhập với các nền văn hóa thế giới. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, cho biết:
 “Chúng ta tổ chức các lễ hội với mục đích là thu hút nhiều du khách. Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc chúng ta phải bảo tồn và phát huy. Nhưng bảo tồn và phát huy trong thời đại ngày nay, phù hợp với xu thế hội nhập chứ không phải bảo tồn và phát huy như xưa kia. Không có cái gì trước đây là đúng và nay vẫn đúng như thế mà nó phải phát triển lên. Văn hóa cũng phải phát triển lên”.

Bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam trong lễ hội truyền thống - ảnh 2
Hội Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, Nam Định (Ảnh Internet)

Một trong những điều đem lại sức hút của lễ hội chính là việc tổ chức biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian và thể thao. Các hoạt động này tạo không khí sôi nổi, hào hứng cho người dân, du khách trảy hội. Qua đó còn bảo tồn, giữ gìn được giá trị văn hóa của các dân tộc. Thành công của một lễ hội cũng chính là đưa lễ hội trở về cội nguồn của nó, nơi có sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của đông đảo nhân dân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam,cho rằng: “Lễ hội có một không gian văn hóa để giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Giáo dục di sản phải trở thành một chương trình quốc gia. Chính giáo dục di sản ấy những tấm gương sáng mà cha ông ta nêu lên ở các lễ hội sẽ thấm vào từng cá nhân, ngăn chặn suy thoái đạo đức, bào mòn bản sắc trong quá trình hội nhập”.


Bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam trong lễ hội truyền thống - ảnh 3
Cờ thẻ - trò chơi dân gian tiêu biểu trong Lễ hội Đền Cờn xứ Nghệ (Ảnh Báo Nghệ An)

Lễ hội phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống; đồng thời, thông qua lễ hội trí tuệ, đạo lý, tình cảm của nhân dân được tỏa sáng. Qua sinh hoạt lễ hội nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, cho biết: “Phát huy giá trị lễ hội trong đời sống, chúng ta tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền không chỉ để người dân đến với lễ hội mà còn tuyên truyền để người dân giữ được nếp sống văn hóa, văn minh trong thực hành lễ hội. Khi người ta nhận diện được giá trị của lễ hội, biết được cái hay cái đẹp thì họ đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội”.

Việt Nam có 54 dân tộc. Mỗi cộng đồng dân tộc trên đất nước Việt Nam có những lễ hội khác nhau, đó là bản sắc, tập quán, là nét riêng của mỗi cộng đồng. Lễ hội truyền từ đời này sang đời khác, là nét đẹp văn hóa ngàn đời của ông cha ta. Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội có tác dụng khai thác tiềm năng du lịch và còn góp phần tích cực trong việc giao lưu văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa trong khu vực và thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu