Bảo tồn Ca Trù sau 4 năm được UNESCO công nhận di sản văn hoá phi vật thể

Phương Thuý
Chia sẻ
(VOV5) - Theo thống kê tại 15 tỉnh, thành phố ở Việt nam có Câu lạc bộ Ca Trù, làng dân gian hát Ca Trù. Trong đó, riêng Hà Nội có tới 22 Câu lạc bộ Ca Trù nổi tiếng.

(VOV5) - Ca Trù, một di sản văn hoá đặc sắc của Việt Nam, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc(UNESCO) công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ  năm 2009. Nhìn lại chặng đường gần 4 năm kể từ khi được công nhận, mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng và có sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, song Ca Trù vẫn cần phải được bảo vệ để tồn tại và  phát huy hơn nữa trong đời sống cộng đồng.    
  


Bảo tồn Ca Trù sau 4 năm được UNESCO công nhận di sản văn hoá phi vật thể - ảnh 1
Câu lạc bộ ca trù Thăng Long - 1 trong 13 câu lạc bộ khá tích cực trong hoạt động lưu giữ và truyền dạy ca trù tại Hà Nội. Ảnh: theo VnMedia

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Theo thống kê tại 15 tỉnh, thành phố ở Việt nam có Câu lạc bộ Ca Trù, làng dân gian hát Ca Trù. Trong đó, riêng Hà Nội có tới 22 Câu lạc bộ Ca Trù nổi tiếng như: Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Thái Hà, Văn Miếu, Thăng Long. Ngoài ra còn có các Câu lạc bộ Ca Trù ở một số Trung tâm Văn hóa và Câu lạc bộ gia đình.... Kể từ khi Ca Trù được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đến nay, Hà Nội vẫn là một trong địa phương đi đầu trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hoá di sản của Ca Trù.

Đây là những âm thanh quen thuộc tại câu lạc bộ Ca trù Hà Nội ở Đình Kim Ngân trong khu phố cổ Hà Nội. Đã nhiều năm nay, du khách được thưởng thức Ca Trù đều đặn vào các buổi tối thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần. Để duy trì được những buổi biểu diễn như vậy là cả nỗ lực của những nghệ nhân, những thành viên tích cực của Câu lạc bộ. Theo nghệ nhân Lê Thị Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, trong xu thế phát triển của nhiều loại hình giải trí khác, Ca Trù đang đối diện với nỗi lo thiếu vắng công chúng. Nhiều Câu lạc bộ phải chuyển địa điểm, rút bớt các buổi biểu diễn. Nghệ nhân Lê Thị Bạch Vân cho biết: “Trước đây chúng tôi diễn ở Bích Câu Đạo Quán, ở đình Kim Ngân,  mỗi tháng khoảng 24-26 buổi. Bây giờ phải rút, toàn bộ các buổi biểu diễn ở Bích Câu Đạo Quán. Đã gắn với nghiệp, bỏ đi thì tiếc. Đây không phải mình kinh doanh mà là làm nghệ thuật để hoàng dương Ca Trù nên  vẫn phải làm,  mình tự hát thì không phải trả tiền cho ai. Ban ngày tôi làm việc ở bệnh viện, nhưng tối tôi về hát”.

Còn tại Câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long, lượng khách đến xem các buổi biểu diễn Ca Trù  ở ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây có ổn định hơn, nhưng chủ yếu vẫn là du khách nước ngoài. Câu lạc bộ này mong muốn đưa Ca Trù ngày càng đến gần hơn với công chúng trong nước nên có sự kết hợp với các công ty du lịch biểu diễn phục vụ khách. Câu lạc bộ cũng quan tâm đến việc truyền nghề cho lớp trẻ, bởi theo nghệ nhân  Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long,  thì đó là cách bảo tồn Ca Trù tốt nhất. Nghệ nhân Phạm Thị Huệ chia sẻ: “Người dân vẫn tự phát bảo tồn thôi. Câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long có thể may mắn hơn các câu lạc bộ khác là có lượng ca nương, kép đàn đông và trẻ. Chính vì các bạn trẻ nên rất hồn nhiên, yêu và hát vậy thôi”.                

Hai câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội và Ca Trù Thăng Long được người trong nghề biết đến như những điểm sáng trong nỗ lực biểu diễn, giới thiệu và truyền dạy Ca Trù tại thủ đô.  Nhìn xa hơn, những câu lạc bộ ở ngoại thành như Chanh Thôn (Phú Xuyên), Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) hay những câu lạc bộ ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc duy trì các lớp truyền nghề hát Ca Trù vẫn được duy trì.

Thực tế cũng cho thấy trong khi nhiều Câu lạc bộ Ca Trù đang phải cố gắng duy trì hoạt động, thì cũng có những Câu lạc bộ Ca Trù vẫn “ sống khoẻ” nhờ được quan tâm thích đáng từ phía chính quyền và người dân. Câu lạc bộ Ca Trù Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội)  là một nơi như thế. Kể từ năm 2005 đến nay, mỗi năm huyện cấp kinh phí khoảng 40-50 triệu đồng để Câu lạc bộ Ca Trù Lỗ Khê duy trì hoạt động, mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, huyện còn coi Ca Trù Lỗ Khê là món "đặc sản" và xây dựng Lỗ Khê trở thành một trong những điểm du lịch trên địa bàn.  Tỉnh Bắc Ninh, một tỉnh tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, cũng đang triển khai đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca Trù giai đoạn 2013-2020" với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng.

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam đang thực hiện chương trình hành động quốc gia, trong đó đề ra hàng loạt các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Ca Trù. Một trong những hoạt động quy mô lớn là tổ chức Liên hoan Ca Trù toàn quốc tại Hà Nội vào tháng 8/2014, thu hút 15 tỉnh, thành phố tham gia. Mục đích của liên hoan là tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị độc đáo của di sản Ca Trù đã được UNESCO vinh danh, đồng thời kiểm kê, đánh giá lại kết quả công tác bảo tồn nghệ thuật Ca Trù trong 5 năm, giai đoạn 2010 – 2014 như đã cam kết với UNESCO. Liên hoan Ca Trù cũng là dịp để toàn thể cộng đồng quan tâm đầu tư hơn nữa đối với Ca Trù di sản văn hoá tiêu biển của dân tộc và nhân loại. Đây cũng là dịp để tôn vinh các  câu lạc bộ Ca Trù, đồng thời khích lệ các nghệ sỹ ca trù trẻ gắn bó với môn nghệ thuật dân tộc, kết nối các giá trị di sản của nghệ thuật Ca Trù với công chúng hiện đại./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu