Nguyễn Thị Chúc - một đời với ca trù

Minh Anh
Chia sẻ

(VOV5) - Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc -một trong những nghệ nhân lớn tuổi, còn giữ được lối hát ca trù cổ và đã có nhiều đóng góp trong việc truyền dậy cho thế hệ trẻ cũng như cùng các đào nương giữ gìn và giới thiệu nghệ thuật ca trù tại Câu lạc bộ ca trù Thăng Long Hà Nội.

(VOV5) -  Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc sinh ra trong một gia đình nhiều đời theo nghệ đàn, hát Ca trù. Ngay từ nhỏ bà đã được Cha, Mẹ và những người thân trong gia đình, dòng họ truyền dạy. Bà kể lại: “Gia đình tôi có tới 3 đời đi hát, tôi đi hát từ bé, nhưng đến năm 12 tuổi tôi đã đi hát kiếm tiền. Về làn điệu thì hát được 2- 30 làn điệu. Cái gì không biết thì khó, nhưng đã biết rôi thì dễ. Để học hát được thì rất đơn giản, nhưng để hát mà người nghe thích thì rất khó và phải kiên trì trong 5 năm thì mới có thể thành nghề”.

Nguyễn Thị Chúc - một đời với ca trù - ảnh 1

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc là người còn nắm giữ được khối lượng làn điệu tương đối lớn. Với bà, khi hát bất cứ một làn điệu nào cũng phải tìm được cho mình cách thể hiện riêng để làm sao vừa giữ được lối hát, lối chơi ca trù cổ, nhưng đồng thời cũng thể hiện được bản sắc của giọng ca để trở thành một đào nương được nhiều người yêu thích giọng hát của mình. Và vì thế, nay tuy đã ở tuổi 76, nhưng tiếng hát của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc vẫn khoẻ, trong trẻo và cuốn hút người nghe vào từng khổ phách, câu hát. Bà tâm sự: “ Thích nhất là hát Tỳ Bà, Cung Bắc, Gửi Thư… chỉ có một bài, còn Hát nói có nhiều bài… Hát nói dễ ở khổ thơ nhưng cái khó là hát như thế nào để luyến láy cho hay.”

Bằng tình yêu, say mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc và cũng là nghề “Cha truyền con nối”, nên trong nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc không chỉ truyền lại cho các con, cháu trong dòng họ, mà còn cộng tác thu thanh, ghi hình, đào tạo được nhiều thế hệ nghệ nhân trẻ.Từ kinh nghiệm bản thân, qua thời gian trải nghiệm, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc chia sẻ: “Thầy dậy khuôn khổ là chính, nhưng cũng đòi hỏi đào nương phải có năng khiếu... Người đào nương phải ngồi xếp chân, cách đánh pháchrất khó, làm đào nương phải biết gõ phách. Phách gõ phải có nhịp, phải luyến láy. Hơi lấy từ trong ruột ra và phải giữ hơi để tiếng ngân dài….”


Nguyễn Thị Chúc - một đời với ca trù - ảnh 2

Ca Trù là môn nghệ thuật thanh cao, kén người nghe. Và vì thế, nếu không hiểu sẽ trở thành không thích. Cho nên, trách nhiệm của những người làm nghệ thuật là phải làm thế nào để cho công chúng, nhất là giới trẻ hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca trù. Đó cũng là lý do bà cùng các đào nương kép đàn ra sức truyền dạy vốn cổ cho thế hệ trẻ cũng như biểu diễn giúp người nghe, người xem hiểu được vẻ đẹp độc đáo và riêng có của nghệ thuật ca trù, di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát triển.

Nhấn vào file để nghe âm thanh:


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu