Bắc Ninh - “giữ bản sắc tranh Đông Hồ”

Hương Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2013, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Làng Đông Hồ (thuộc phường Song Hồ, Thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Trong dòng chảy đời sống hiện đại, dòng tranh Đông Hồ từng đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân tâm huyết, bám trụ với nghề. Song với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các nghệ nhân đã và đang không ngừng nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông. Họ kiên trì bảo tồn những kỹ thuật vẽ bằng tay, từ việc chọn giấy, chuẩn bị mực, đến các công đoạn vẽ và in ấn phức tạp.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 

Bước và khuôn viên gia đình của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh, ở làng Đông Hồ, chúng tôi như được trở về không gian hoài cổ của làng quê Kinh Bắc xưa. Ngôi nhà cổ 5 gian lợp ngói đỏ, vừa là nơi thờ tự, vừa là phòng vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh trưng bày tranh. Tranh Đông Hồ nổi bật với vẻ đẹp giản dị nhưng đầy màu sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam với những hình ảnh quen thuộc như đám cưới chuột, tranh hái dừa, tranh cá chép...
Bắc Ninh - “giữ bản sắc tranh Đông Hồ” - ảnh 1Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh và các tác phẩm được trưng bày tại gia đình

Chất liệu làm tranh đều có nguồn gốc tự nhiên - như màu vàng làm từ hoa hòe, màu xanh làm từ lá chàm, màu đen làm từ tro bếp, than lá tre, màu trắng làm từ mai con điệp có độ phản quang rất tốt nên màu tranh in ra bắt mắt, tạo cảm hứng cho người xem: “Giấy gió mua về rất mỏng, về phải giã mai con điệp. Mình quấy hồ, quét lên trên. Mà quét không đơn giản, giấy bị dính là vứt đi. Chúng tôi phải quét trong nhà sau đó se lại mang rải ra sân, rất kỳ công, có lúc rơi nước mắt mới được tờ tranh.”

Gắn bó với những giấy gió, ván in từ khi lên 9 lên 10, đến nay khi đã ngoài 60 tuổi nhưng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh vẫn miệt mài làm tranh, dù công việc thủ công rất vất vả. Bà Oanh cho biết, làng Đông Hồ xưa có 17 dòng họ làm tranh, nhưng sau đó còn 2 dòng họ là Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng  giữ được nghề. Bà Oanh là con cháu của dòng họ Nguyễn Đăng, rồi trở thành con dâu của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Nhân duyên ấy khiến cho bà càng có thêm động lực quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của hai gia đình: Từ lúc nhỏ rất yêu nghề đến bây giờ tôi luôn gắn bó với nghề. Tôi luôn bảo tồn, sưu tầm, phục chế những gì cha ông để lại mà bên cạnh đó, tôi sáng tác, sưu tầm nhiều chủ đề mới để tranh dân gian Đông Hồ ngày càng phong phú và phát triển. Làm nghề gì cũng vậy, muốn nghề của mình được phát triển lâu dài, để người ta biết đến mình phải làm tốt và biết phát huy cái mới. Tôi đã sáng tác được gần 60 chủ đề, mình phải làm phong phú mặt hàng.”

Bắc Ninh - “giữ bản sắc tranh Đông Hồ” - ảnh 2Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa hướng dẫn khách quốc tế làm tranh Đông Hồ

 Chồng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh, ông Nguyễn Hữu Hoa cũng là một nghệ nhân lành nghề. Ông Hoa chia sẻ, trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, dòng tranh dân gian đứng trước áp lực cạnh tranh vô cùng lớn, chính vì vậy, mỗi gia đình phải tự tìm cho mình những thị trường riêng, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng: “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có những lúc thăng - trầm, lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Nhưng xuyên suốt nghề làm tranh đó là vấn đề đầu ra của sản phẩm, là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại của làng nghề. Vì vậy gia đình chúng tôi có nhiều giải pháp tìm kiếm bạn hàng, tuyên truyền, quảng bá trong các hội chợ trong nước và quốc tế - tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của tranh dân gian Đông Hồ.”

Với quyết tâm phát triển giá trị nghề làm tranh và dòng tranh dân gian này, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, trưng bày hơn 1.000 tài liệu, hiện vật được nghiên cứu, sưu tầm từ các gia đình nghệ nhân và nhân dân địa phương. Năm 2013, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hàng năm, chính quyền địa phương và ngành văn hóa cũng quan tâm tổ chức nhiều hoạt động quảng bá tranh Đông Hồ tới du khách thập phương.

Ông Vương Đình Tuyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy, Ủy ban nhân dân Thị xã, phòng Văn hóa và Thông tin Thị xã Thuận Thành đã phối hợp với cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá nghề làm tranh Đông Hồ đến du khách trong, ngoài tỉnh và trên thế giới.”

Trên thực tế, để nghề làm tranh Đông Hồ trường tồn với thời gian không phải bài toán một sớm một chiều là làm được. Bên cạnh sự vào cuộc của Nhà nước, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự góp sức của các nghệ nhân thì rất cần đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa để việc hồi sinh tranh dân gian thêm hiệu quả và bền vững. Bảo tồn tranh Đông Hồ không chỉ là bảo vệ một sản phẩm nghệ thuật mà còn là gìn giữ một phần quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu