199 mấy - Hồi ấy làm gì? nằm trong tủ Sách tranh, truyện tranh Việt Nam do Wings Books, thương hiệu sách trẻ của NXB Kim Đồng phát hành.
Các tác phẩm trước đây của các tác giả trẻ trong nước đã được Wings Books phát hành bao gồm: Đường hoa (Lâm Hoàng Trúc), TWINS – Con nhà lính (RED), Lựa chọn (Hoàng Giang)…
Cuốn sách 199 mấy – Hồi ấy làm gì? gồm hai phần chính. Phần I là những câu chuyện kỷ niệm về nơi ở, về những hoạt động sinh hoạt cộng đồng mà gần như đứa trẻ nào ở những năm 1990 cũng từng được trải qua.
Đó là câu chuyện vui chơi xung quanh khu tập thể, những trào lưu nở rộ thời ấy như nghe nhạc người lớn, sinh hoạt hè và tập thể dục nhịp điệu, phá cỗ Trung thu, đốt pháo ngày Tết… Có cả những trò chơi mà chỉ thời ngày xưa mới có như bắt chuồn chuồn, chơi đồ hàng bằng lon sữa bò…
Phần II là hình ảnh của những món đồ tuổi thơ như quà vặt, đồ chơi, truyện tranh, chơi chuyền chơi chắt, nhảy dây nhảy ngựa… hay những bộ phim kinh điển mà thế hệ 8X, 9X đến giờ vẫn còn nhớ.
Tất cả những kỷ niệm đó được kể lại không chỉ bằng lời văn mộc mạc, giản dị của tác giả Trang Neko mà còn được tái hiện một cách sinh động bằng những bức hình của họa sĩ X.Lan.
Đó là câu chuyện của những đứa em vì tuổi nhỏ hơn nên không được phép chơi cùng các anh chị lớn, chỉ biết lẽo đẽo đi theo sau và trở thành “bình vôi” trong mắt anh chị. Hay là hồi ức cảnh hai chị em nhăn mặt vì thi nhau ăn những lát chanh, lát sấu ngậm đầy muối. Hoặc cảnh chiếc vợt cầu lông bị cháy xém vì cậu bạn hàng xóm mượn để làm lưới nướng thịt.
Những dịp Trung thu với mâm cỗ đầy ắp là niềm mơ ước của nhiều trẻ em thời ấy, vì chỉ đến Trung thu mới được ăn nhiều bánh kẹo. Rồi dịp sinh hoạt hè trong khu tập thể thay vì tập aerobic, lũ trẻ lại chuyển sang chơi ném lon hay chơi vòng quanh sô cô la thịnh hành khi đó.
Chia sẻ về quá trình sáng tác chung, điều mà hai tác giả thấy khó khăn lớn nhất khi thực hiện cuốn sách chính là ký ức của mỗi người về món đồ chơi, hay về đồ ăn vặt khác nhau, những bài vè họ biết lại khác nhau, có những điều người này kể nhưng người kia chưa bao giờ được trải nghiệm. Vậy nên cả hai cùng phải ngồi lại, cùng suy nghĩ xem cách kể cũng như cách biểu đạt tranh nào là phù hợp nhất với những gì họ muốn truyền tải đến người đọc.
Trang Neko và X.Lan đều là những người trẻ thuộc thế hệ cuối 8X. Vào những năm 1990 họ vẫn chỉ là những đứa trẻ tiểu học, vẫn còn nghịch ngợm, ham chơi và ngây thơ. Nhưng chính những nét hồn nhiên ấy đã phác họa lại một thời ký ức mà ai cũng tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong đó.
Hai tác giả lựa chọn kể câu chuyện của mình vào những năm 1990 – 1999 bởi lẽ quãng thời gian đó là khi đất nước đã được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu xây dựng đời sống kinh tế sau thời kỳ đổi mới. Trẻ con được hoàn toàn là trẻ con, được học hành, được vui chơi đúng nghĩa. Thời ấy dù chẳng có điện thoại cầm tay hay bất cứ đồ chơi hoa mỹ nào mà vẫn vui suốt cả bốn mùa.
Hình ảnh những khu nhà tập thể quen thuộc hiện lên rất đỗi thân thương, đó là nơi kéo mọi người lại gần gũi nhau hơn. Trẻ con thì tụ họp để chơi đùa, người lớn thì san sẻ đồ ăn thức uống, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Không khí đặc biệt của những khu tập thể thời ấy có lẽ khó tìm thấy được trong các khu tập thể trong thời hiện đại bây giờ.
Ấy vậy nên việc rời khỏi khu tập thể trong chương sách Chuyển nhà giống như một lời tạm biệt với quãng thời gian thơ ấu. Dù biết rằng có thể gói gọn hết các món đồ chơi tuổi thơ vào trong một chiếc hộp nhỏ nhưng những kỷ niệm sẽ chẳng thể nào quay về như trước nữa.
Cuốn sách 199 mấy – Hồi ấy làm gì? không chỉ là món quà tuổi thơ cho những người đã từng là trẻ con, mà còn giống như một lời nhắc nhở người lớn hãy để trẻ em có được một tuổi thơ tự do và khám phá thế giới. Những đứa trẻ hồi xưa dẫu xung quanh chỉ có những bông dâm bụt, chỉ có vỏ lon cũ, tối ngày đuổi theo chuồn chuồn hay bắt nòng nọc nuôi… nhưng chẳng bao giờ kêu chán. Chúng có thể biến hóa ra biết bao trò giải trí cho bản thân từ những thứ có sẵn trong vườn, trong nhà mình.
Trẻ em ngày nay không có cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường tự nhiên bên ngoài, xung quanh chúng gần như chỉ có tivi, điện thoại hay các thiết bị điện tử thông minh. Được bao bọc trong vòng tay chăm sóc của ông bà bố mẹ, trẻ em bây giờ có lẽ sẽ chẳng thể có nhiều những khoảnh khắc vui chơi mà sau này khi nghĩ về sẽ thấy nhớ nhung và tiếc nuối.
“Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn”. Hi vọng cuốn sách 199 mấy – Hồi ấy làm gì? sẽ là món quà kỷ niệm đẹp giúp độc giả sống lại một vài khoảnh khắc đã đi qua trong chốc lát, để nhớ về thời “huy hoàng” của mỗi người lớn đã từng một thời là trẻ con…
Tác giả Trang Neko, tên thật là Nguyễn Quỳnh Trang. Chị tốt nghiệp cử nhân Đạo diễn truyền hình – Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Trang Neko tự miêu tả mình là tổng hòa tính cách của cung Ma Kết cứng đầu và nhóm máu A bảo thủ. 199 mấy – Hồi ấy làm gì? là cuốn sách thứ hai của chị, được xuất bản 7 năm sau tác phẩm đầu tay Nắng về phía ấy (2013).
Họa sĩ
X.Lan, tên thật là Nguyễn Vũ Xuân Lan. Chị tự nhận mình là một người dốt văn nên hay vẽ. X.Lan là đồng tác giả của cuốn sách
Mẹ yêu ai nhất (2019) và
199 mấy – Hồi ấy làm gì? (2020)