100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển: Người đánh thức lương tri

Cẩm Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Bùi Hiển là tác giả để lại nhiều dấu ấn của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Sáng thứ bảy, 16/11/2019, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm ra mắt sách: Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri , hân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn (1919 – 2019).

Tọa đàm do gia đình nhà văn và công ty Như Books thực hiện, nhà văn Nguyễn Trương Quý dẫn chương trình với các khách mời giao lưu: nhà văn Lê Minh Khuê, nhà nghiên cứu văn học Nguyên An, nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu.

100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển: Người đánh thức lương tri - ảnh 1Các diễn giả tại buổi tọa đàm ra mắt sách "Bùi Hiển - người đánh thức lương tri" 

Nhắc đến Bùi Hiển là nhắc đến một nhà văn sống và viết trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, gắn với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20.

Sách Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri  lần đầu tiên công bố nhật ký và thư từ cá nhân giữa Bùi Hiển với bạn bè văn chương và các thành viên trong gia đình. Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn để lại khoảng hơn 60 cuốn sổ ghi chép, nhật ký và hàng ngàn trang bản thảo, tư liệu.

100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển: Người đánh thức lương tri - ảnh 2Một góc khán phòng buổi ra mắt sách - Ảnh: Nguyễn Thanh Tâm 

Với tính chất riêng tư, quyển sách hé lộ góc nhìn vô cùng sống động và hấp dẫn về các diễn biến chính trị - xã hội Việt Nam trải dài từ những năm 1940 của thế kỷ trước tới những năm đầu thế kỷ 21.

Dù viết nhật ký, nhà văn Bùi Hiển vẫn thể hiện đậm dấu ấn cá nhân thông qua văn phong súc tích.  giàu cảm xúc và lối quan sát vô cùng tinh tế. Nhật ký và những trang thư của ông cung cấp nhiều chi tiết đa dạng và sâu sắc về một thế kỷ nhiều chấn động, đi sâu vào những nỗi niềm của đời sống văn chương  cũng như tâm trạng và sinh hoạt của những con người Việt Nam bình dị.

100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển: Người đánh thức lương tri - ảnh 3

Đọc Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri, độc giả hôm nay nhận diện được quá khứ thông qua nhãn quan của một nhà văn đã tham dự tích cực vào văn chương, can dự trực tiếp vào nhiều biến cố, những bước ngoặt, những sự kiện định hình diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ 20. Nhật ký của Bùi Hiển là nguồn tư liệu quan trọng, một ấn phẩm cần thiết cho các nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử xã hội và cho những người theo đuổi nghiệp văn chương.

100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển: Người đánh thức lương tri - ảnh 4Khách mời đến với buổi ra mắt sách. 

Bùi Hiển bước chân vào văn chương có phần muộn vài ba năm so với bạn bè cùng thế hệ - thế hệ Tây học 1925 (Theo Trịnh Văn Thảo) - được xem là “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam. Tác phẩm đầu tay – truyện ngắn “Nằm vạ”, in trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn năm 1940, sớm cho thấy phẩm chất và nội lực văn chương của ông.

Ngày ấy, đánh giá về Bùi Hiển và “Nằm vạ”, Thạch Lam (thành viên Tự lực văn đoàn) viết: “Ông Bùi Hiển, tác giả truyện ngắn dưới đây đã phác họa rất đúng một vài nhân vật ở thôn quê. Đó là bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong xóm làng. Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh vi” (Ngày nay, 9/1940). Từ đó, Bùi Hiển trở thành một cái tên được tin tưởng, yêu mến, chiếm cảm tình của các nhà văn danh tiếng cùng thời: Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài…

Cách mạng tháng Tám thành công, như nhiều nhà văn tiền chiến khác, Bùi Hiển đi theo cách mạng, làm công tác văn hóa cứu quốc. Ông vừa sáng tác vừa tham gia quản lý văn hóa văn nghệ. Dù ở cương vị nào, Bùi Hiển cũng luôn là một người dấn thân, bám sát đời sống và gần gũi thực tiễn. Điều đó giúp ông cho ra đời những sáng tác thắm đượm hơi thở thời đại. Với công việc quản lý, ông cũng được đánh giá là người sâu sát, cởi mở, hòa nhập, biết lắng nghe thanh âm phản hồi từ đời sống. Bởi thế, trong mắt bạn bè văn nghệ, ông là người bạn, người đồng nghiệp tin cậy và đáng mến.

Đường văn của Bùi Hiển trải dài qua nhiều thời kỳ: trước cách mạng tháng Tám, giai đoạn chiến tranh 1945 – 1975 và sau 1975 cho đến thời kỳ Đổi Mới. Đó là một sự nghiệp bền bỉ không dễ có đối với người cầm bút.

Nhìn lại di sản của Bùi Hiển, có thể thấy ông đã tham dự vào đời sống văn chương trên nhiều lĩnh vực: sáng tác, phê bình, tiểu luận, dịch thuật, một phẩm chất khá nổi bật của trí thức thế hệ vàng. Các tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều đề tài từ nông thôn tới thành thị, từ phong tục tập quán tới các truyện ngắn mang tính luận đề… Dù ở lĩnh vực nào, viết về đề tài, đối tượng nào, Bùi Hiển luôn thể hiện sự chắt chiu, chọn lựa chi tiết kỹ lưỡng và tìm tòi cách thức thể hiện gần gũi mà tinh tế.

100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển: Người đánh thức lương tri - ảnh 5

Bên cạnh những tác phẩm đã được xuất bản, nhật ký và thư từ của nhà văn Bùi Hiển được trích công bố lần này trong sách Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri có thể được xem như “chứng từ” của một đời văn, đời người và một niên biểu về lịch sử văn chương hiện đại.

Bạn đọc hôm nay thấy được qua từng trang sách không chỉ là những rung cảm nghệ thuật cao đẹp mà còn là công việc lao động của nhà văn, những phẩm chất, lương tri và lương năng của người cầm bút.

Cuốn sách mang lại cơ hội quý báu để những người yêu văn chương nói chung, yêu quý nhà văn Bùi Hiển và các tác phẩm của ông nói riêng, hồi tưởng và chiêm ngưỡng lại những năm tháng đã qua. Để rồi cùng ngẫm nghĩ và vun đắp những giá trị nghệ thuật và giá trị nhân sinh hữu ích cho hôm nay và cho những thế hệ tiếp nối.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu