Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. 

(VOV5) - Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Đây là vấn đề quan trọng, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội  - ảnh 1
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Điền

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, các ý kiến thống nhất chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ hiện nay đang đi đúng hướng, 10/15 chỉ tiêu đã đạt được. Những điểm sáng trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội 9 tháng qua đạt được là: Ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an sinh xã hội; dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi so với thời điểm gặp khó khăn; lạm phát bước đầu đã được kiềm chế, lạm phát cả năm dự  báo dừng ở mức 1 con số, khoảng 8%. Các đại biểu nhận định tình tình hình kinh tế hiện nay và trong năm 2013 vẫn còn rất khó khăn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 như: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012 ở mức 5,5%... đòi hỏi phải có sự cố gắng rất lớn cũng như sự đồng tâm hiệp lực của toàn hệ thống chính trị, xã hội. Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Về kế hoạch năm 2013 các chỉ tiêu lớn mà Chính phủ đưa ra đã cân nhắc rất kỹ về tình hình. Ví dụ dự kiến GDP năm 2012 tăng 5,2% thì GDP năm 2013 là 5,5% tôi cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta có một số biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi nền kinh tế. Bởi theo tính toán của các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng là thiếu dùng, tức là tiềm năng tăng trưởng còn khá cao, chúng ta chưa khai thác toàn diện các đầu tư trước đây. Chưa cần đầu tư mới, chỉ cần khai thác cái đang có thì tăng trưởng GDP đã là 7%. Vấn đề đặt ra bây giờ không phải là đầu tư mới bao nhiêu để năm tới đạt tăng trưởng như vậy mà vấn đề là làm sao khai thác những cái đã đầu tư, đang có để tăng trưởng.”

Các ý kiến nhấn mạnh những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là: tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết nợ xấu, đồng thời tái cấu trúc nền kinh tế theo tổng thể rộng lớn hơn bằng cách sớm thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Ông Lê Hữu Đức, đại biểu tỉnh Khánh Hòa, nêu ý kiến: “Tôi đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính là trách nhiệm giải quyết nợ xấu là của các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu. Để giải quyết hàng tồn kho, phải kích cầu tiêu dùng. Theo tôi, nên phát hành trái phiếu công trình cho một số công trình trọng điểm quốc gia, dân sinh, ưu tiên cho giao thông vận tải. Từ đó, mới tiêu thụ được sắt, thép, xi măng, vật liệu tồn kho. Đồng thời các doanh nghiệp cũng phải tự vươn lên tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, thực hiện giảm giá, hậu mãi tốt.”

Nhằm tăng cường xuất khẩu, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng các văn phòng thương mại ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm, nhất là các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hải sản, cao su, dệt may, giầy dép... Để đảm bảo chỉ tiêu an sinh xã hội, các ý kiến đề xuất Chính phủ chỉ đạo đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, trong đó trọng tâm là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, quyết liệt phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng trong ngày 30/10, một số thành viên Chính phủ cũng giải trình, trả lời các vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành y tế đặc biệt quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm y tế: “Vấn đề bảo hiểm y tế toàn dân, đây là một khát vọng nhưng cũng đầy thách thức đối với các nước đang phát triển. Việt Nam tiên phong tham gia cùng với Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế cố gắng đến năm 2020 đạt ít nhất 80%, hiện nay đã phủ 68%. Chúng ta ưu tiên trước cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công và hiện nay ưu tiên cho người cận nghèo nữa. ”

Phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội hôm nay thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Cử tri ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ đối với công tác điều hành kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới. Nhiều cử tri cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013. Những ý kiến này sẽ giúp cho Chính phủ điều hành tốt các mặt kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2012 và trong năm 2013, giúp nền kinh tế đất nước phát triển ổn định và và bền vững./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu