Quốc hội thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Quốc hội chiều 29/10 làm việc ở tổ thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc xây dựng Nghị quyết này nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân thay mặt nhân dân giám sát người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Quốc hội thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - ảnh 1

(VOV5)- Quốc hội chiều 29/10 làm việc ở tổ thảo luận về dự thảo
Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc xây dựng Nghị quyết này nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân thay mặt nhân dân giám sát người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 


Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ… (tổng số là 49 người). Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các ủy viên của Hội đồng, Ủy ban (tổng số là 380 người). Các ý kiến cho rằng như thế là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức, mà chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Các ý kiến thống nhất cao việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm theo hình thức bỏ phiếu kín.


Tuy nhiên, về các mức đánh giá trong phiếu tín nhiệm, còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông Trần Đình Nhã, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, nêu ý kiến: “Tôi nghĩ bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có hai mục thôi còn tín nhiệm hay là không tín nhiệm. Thế mà chúng ta lại đưa ra bốn mục: tín nhiệm cao, trung bình, thấp và không có ý kiến. Tín nhiệm thấp với không tín nhiệm là như thế nào? Tôi nghĩ những người có phiếu tín nhiệm thấp liền đó chúng ta quyết định có thể là bỏ phiếu lại xem còn tín nhiệm không chứ đừng chờ một năm nữa. Những người tín nhiệm thấp chúng ta phải bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu như người ta không từ chức. Nếu tôi đặt ở vị trí tín nhiệm thấp thì tôi từ chức, chứ không thì rất khó làm việc.


Trước đó, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quốc hội cũng thẩm định 5 dự án Luật, trong đó có dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật phòng, chống khủng bố. Dự án Luật đất đai sửa đổi theo nguyên tắc định giá đất do Nhà nước quyết định và phù hợp với giá thị trường, để hạn chế tối đa việc kiện tụng đền bù, giải phóng mặt bằng. Dự án Luật phòng, chống khủng bố được  thảo luận, lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội này vì đây là dự án luật lớn, phức tạp, nhạy cảm, cần hoàn thiện phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu