Họp báo quốc tế về Biển Đông: Việt Nam kiên quyết bác bỏ những luận điệu vu cáo từ Trung Quốc

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hơn 40 ngày kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, Trung Quốc không những không có thái độ hợp tác mà còn có những hành động leo thang căng thẳng. 

(VOV5) - Chiều nay tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế nhằm thông tin về những diễn biến mới nhất trên thực địa kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đây là lần thứ 5 Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo và cũng như các lần họp trước, cuộc họp chiều nay nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan thông tấn quốc tế.

Họp báo quốc tế về Biển Đông: Việt Nam kiên quyết bác bỏ những luận điệu vu cáo từ Trung Quốc - ảnh 1


Tại cuộc họp, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiện Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết tính đến thời điểm này, nghĩa là hơn 40 ngày kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, Trung Quốc không những không có thái độ hợp tác mà còn có những hành động leo thang căng thẳng. Trung Quốc đã cho lưu hành Công hàm gửi lên Liên hợp quốc, đổ lỗi cho Việt Nam có những hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông. Tiếp đó, những ngày qua, phía Trung Quốc lớn tiếng vu cáo Việt Nam chủ động đâm va vào các tàu hộ vệ của Trung Quốc, thậm chí nói tàu cá Việt Nam bị đâm chìm là do đâm vào tàu Trung Quốc.


Ông Trần Duy Hải nhấn mạnh: “Sự thực thế nào, mọi người đã rõ và trong số các nhà báo có mặt tại đây, có rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến các hành vi hung hăng của các tàu Trung Quốc. Các hành vi đó của Trung Quốc không những vi phạm luật pháp quốc tế về việc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam”.


Ông Trần Duy Hải cũng khẳng định Việt Nam kiên quyết bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa;  đồng thời, dẫn chứng ra rất nhiều các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam mới có chủ quyền thực sự dựa trên nguyên tắc chiếm hữu thực sự, liên tục và hòa bình dưới danh nghĩa Nhà nước theo đúng luật pháp quốc tế.


Thông báo về tình hình trên thực địa, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết tính từ ngày 01/05 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã có hàng trăm lần tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi và uy hiếp; nhiều tàu cá Việt Nam bị thiệt hại, hàng chục ngư dân bị thương.


Về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc vu cáo tại cuộc họp báo ngày 13/6, tính đến hôm đó, các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1547 lần vào các tàu Trung Quốc và làm cho các mũi tàu Trung Quốc hư hỏng, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, nói:“Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch và phi lý trên. Thực tế vừa qua chỉ có các tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam, Từ ngày 3/5 đến nay, có tổng cộng  15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu Trung Quốc đâm và tàu Việt Nam bị đâm”.


Cũng tại cuộc họp báo, Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, ngay lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp, kể cả tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, và quyền tài phán trên biển thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu