(VOV5) - Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế nhằm thông tin cụ thể về những diễn biến thực địa mới nhất trên biển Đông, cung cấp những bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời bác bỏ những cáo buộc gần đây của Trung Quốc vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam về tình hình ở Biển Đông, đưa ra luận điệu sai trái về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Tham dự họp báo có Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Đỗ Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Trần Duy Hải, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.
|
Mở đầu cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình nêu rõ bất chấp giao thiệp nghiêm túc của Việt Nam ở nhiều cấp, nhiều hình thức khác nhau để giải quyết tình hình nhưng Trung Quốc không những không đáp ứng mà gần đây lại còn đưa nhiều thông tin sai lệch về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, khẳng định từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc là hoàn toàn không có căn cứ: "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9/1951. Đây là Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ hai với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng phái đoàn quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị 46/51 nước phản đối".
Ông Trần Duy Hải khẳng định năm 1974 Trung Quốc sử dựng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp, do vậy không thể xác lập cho Trung Quốc một chủ quyền đầy đủ và hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa.
Đề cập vấn đề thời gian gần đây, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và viện dẫn sai lệch Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, ông Trần Duy Hải bác bỏ: "Cần khẳng định rằng Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý".
Liên quan đến việc gần đây Trung Quốc luôn nói Hoàng Sa không có tranh chấp mà thuộc chủ quyền hoàn toàn của Trung Quốc, ông Trần Duy Hải khẳng định quan điểm này đã đi ngược lại chính quan điểm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Ngày 24/9/1975, trong trao đổi với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và hai bên “có thể bàn bạc với nhau”. Ý kiến của Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình cũng được ghi lại trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đăng trên Nhân dân Nhật báo.
Liên quan đến cáo buộc của Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã phân lô 57 lô dầu khí, trong số đó có 7 mỏ đã đi vào sản xuất và 37 giàn khoan tại các vùng biển có tranh chấp”, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, khẳng định: "Mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982. Thực tế này đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều công ty dầu khí nước ngoài đã ký hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam tại các lô thuộc thềm lục địa Việt Nam".
Ông Đỗ Văn Hậu khẳng định quan điểm trên của Trung Quốc thực chất nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp, với ý đồ hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này và khẳng định quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam có thể sẽ sử dụng biện pháp pháp lý trước tình hình hiện tại, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho biết: "Với tư cách thành viên của Liên hợp quốc và thành viên tham gia Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS 1982), Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mình. Lãnh đạo Việt Nam cũng đã khẳng định không loại trừ bất cứ biện pháp nào. Chúng tôi với tư cách cơ quan tư vấn pháp lý sẽ chuẩn bị mọi biện pháp có thể và việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp bao gồm cả khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương LHQ và UNCLOS 1982 đề cập".
Trước thông tin cho rằng Trung Quốc điều chuyển quân đến khu vực biên giới và khả đụng độ quân sự, ông Trần Duy Hải khẳng định thông tin trên là không chính xác và cho biết trong cuộc gặp của hai Thứ trưởng Ngoại giao mới đây, hai bên nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.
Trả lời câu hỏi Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đưa ra rằng phía Việt Nam khiêu khích và chủ động cho tàu đâm va vào tàu của Trung Quốc, ông Ngô Ngọc Thu, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, khẳng định thông tin đó là không đúng với tình hình thực địa, mang tính vu cáo: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ thông tin này. Thực tế hoạt động trên biển, trong thời kỳ cao điểm ngày 20/5, Trung Quốc sử dụng tới 137 lượt chiếc tàu thuyền để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 4 tàu chiến và một số máy bay. Tàu Trung Quốc dùng súng phun nước công suất lớn, dùng máy tạo sóng âm tần, dùng đèn pha công suất lớn và các phương tiện âm thanh khác tác động đến tàu Việt Nam, tiếp tục đâm va ngăn cản tàu Việt Nam trên biển".
Ông Ngô Ngọc Thu cũng khẳng định phía Việt Nam hoàn toàn không sử dụng công cụ trên tàu để đáp trả Trung Quốc mà chỉ dùng loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành hoạt động.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu cũng bác bỏ tài liệu của phía Trung Quốc công bố hôm 16/5 cho rằng "Việt Nam đã phân 57 lô dầu khí và có 37 giàn khoan tại vùng biển có tranh chấp". Theo ông Đỗ Văn Hậu, từ năm 1996, sau khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), hoạt động dầu khí chỉ thực hiện trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam đã ký 99 hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài. 30 mỏ đang được khai thác trong vùng thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được quốc tế công nhận.
Trả lời câu hỏi Việt Nam sẽ tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN nói riêng, quốc tế nói chung trong thời gian tới như thế nào để đấu tranh pháp lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định dư luận, công luận, chính giới ủng hộ Việt Nam, ủng hộ biện pháp hòa bình mà Việt Nam đang kiên trì theo đuổi. Thời gian tới ở các diễn đàn song phương, đa phương, Việt Nam sẽ tùy diễn biến tình hình để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình./.