Diễn biến đặc biệt nguy hiểm ở biển Đông có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới

Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển tải 2 thông điệp quan trọng: Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia đóng góp giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu và lập trường kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông.

(VOV5) - Như tin đã đưa, tối qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) 2014 kết hợp thăm, làm việc tại Philippines. Kết quả chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển tải 2 thông điệp quan trọng: Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia đóng góp giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu và lập trường kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông.

Diễn biến đặc biệt nguy hiểm ở biển Đông có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại tất cả các phiên thảo luận. Tại phiên khai mạc, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hàng trăm đại biểu là chính khách, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các quốc gia lớn, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, các tổ chức xã hội, tôn giáo trong và ngoài khu vực cùng các học giả đến từ khắp nơi trên thế giới, thu hút sự quan tâm nhiều nhất, để lại ấn tượng và sự ủng hộ mạnh mẽ nhất. Thủ tướng đã nhấn mạnh hai vấn đề chính là cần tạo động lực mới cho mô hình tăng trưởng bền vững và không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định.


Ở góc độ kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ thì đổi mới thể chế kinh tế là tất yếu và động lực tăng trưởng được tạo ra từ cải cách cơ cấu và thể chế kinh tế.


Thông báo về những diễn biến trên biển Đông, một vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chân lý: Không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. "Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Hiện nay trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua biển Đông. Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn luân chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới".


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trân trọng cảm ơn ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới đã chia sẻ và ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế, coi đây là yếu tố cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.


Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila, Tổng thống Philippines Aquino cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo thống nhất nhiều biện pháp và mục tiêu cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh và hợp tác biển đại dương, coi đây là một trụ cột trong quan hệ hai nước. Tổng thống Philippines Aquino khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng tiếp tục hợp tác với Việt Nam cũng như hợp tác với các thành viên khác trong ASEAN trong lĩnh vực về quốc phòng và an ninh không những giúp thúc đẩy hơn nữa ổn định trong khu vực. Chúng tôi cũng trao đổi ý kiến về hợp tác biển, về các hoạt động hợp tác giữa Cảnh sát biển của Philippin và Cảnh sát biển của Việt Nam để bảo vệ các nguồn lợi thủy sản để chống lại các hoạt động phi pháp trên biển và các vùng lân cận giữa hai nước".


Trả lời phỏng vấn báo chí kết thúc chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh chia sẻ: "Khi trao đổi vấn đề biển Đông thì thực sự là các nhà lãnh đạo Philippin đã chia sẻ những thông tin và trao đổi rất tin cậy với Thủ tướng. Các nhà lãnh đạo Philippin nhất trí với quan điểm của chúng ta rằng kiên trì các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp cũng như ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến vùng biển và chủ quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển. Philippin khẳng định sẽ ủng hộ những nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở biển Đông, đặc biệt là thúc đẩy sớm thông qua bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Tuy nhiên, phía Philippines cũng cho rằng đến lúc này, sau rất nhiều lần đối thoại không thành với Trung Quốc thì Việt Nam cần phải tiếp tục bằng các biện pháp pháp lý".


Trong thời gian tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của một số hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới xung quanh vấn đề biển Đông./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu