Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chia sẻ
(VOV5)- Hôm nay (19/05) tròn kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2015). Những ngày qua, ở trong nước và nước ngoài diễn ra nhiều hoạt động chào mừng sự kiện lớn này. 

(VOV5)- Hôm nay (19/05) tròn kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2015). Những ngày qua, ở trong nước và nước ngoài diễn ra nhiều hoạt động chào mừng sự kiện lớn này. 

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay (19/05), Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel khai trương Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh tại địa chỉ hochiminh.vn. Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh là tập trung các dữ liệu, tư liệu, thông tin về Hồ Chí Minh được chia thành 12 chuyên trang, chuyên mục, gồm: Tin tức; Cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh; Tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh; Các tác phẩm của Hồ Chí Minh; Các tác phẩm viết về Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh và Thế giới; Học và làm theo Chủ tịch Hồ Chí minh;  Kho tư liệu ảnh, âm thanh, video về Hồ Chí Minh; Bảo tàng 3D… Trang thông tin  được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong nước và quốc tế.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1


Tại lễ khai trương trang web, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ:“Tôi đề nghị bộ phận Chuyên trách giúp việc Ban Bí thư về Chỉ thị 03, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với các bên liên quan quản lý chặt chẽ, biên tập chính xác, thông qua một quy trình xuất bản nghiêm ngặt, vận hành thông suốt, an toàn; thường xuyên cập nhật thông tin, tư liệu mới, tiếp thu những ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để Trang thông tin điện tử ngày càng hoàn thiện, nội dung thông tin phong phú, sinh động…là địa chỉ tin cậy tuyên truyền sâu rộng tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Cùng ngày, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm tại  Khu di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Chùa Trầm là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử của Đảng, của cách mạng; gắn với nhiều sự kiện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, ôn lại lịch sử: Nơi đây, rạng sáng ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lời hiệu triệu mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược với câu nói bất hủ: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, chính nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thơ chúc Tết đồng bào chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.”


Trước đó, tối 18/05, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình đặc biệt "Hoài bão Hồ Chí Minh" tại 2 điểm cầu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Quảng trường Ba Đình, Hà Nội), làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh tham dự ở đầu cầu Hà Nội. Chương trình nhằm nêu bật những hoài bão lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời đi sâu phản ánh chặng đường bôn ba ở hải ngoại, để kiếm tìm con đường đi cho dân tộc. Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện qua sự hồi tưởng của các nhân chứng lịch sử và những chuyên gia nghiên cứu về Người.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 2
Các tiết mục văn nghệ tại chương trình. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Dịp này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ngợi ca công lao của vị lãnh tụ dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các ngày 18 và 19/5, tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ quần chúng nhân dân thông qua các loại hình phong phú như: Ca múa nhạc nhẹ, cải lương, chèo, kịch, quan họ, xiếc… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng tổ chức triển lãm “Những di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội” giới thiệu 125 hình ảnh, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm đặc biệt có ý nghĩa khi diễn ra tại Nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 18/05, tại bảo tàng tỉnh Nghệ An diễn ra trưng bày chuyên đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế" và chuyên đề "Nghệ An - Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh". 500 tài liệu, hiện vật quý được trưng bày đã giúp người xem hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tình cảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Người.

Các hoạt động kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng diễn ra sôi nổi tại các tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai, Phú Thọ, Bình Định, Đắk Nông, Quảng Trị, Bình Thuận...

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 3
Các đại biểu giao lưu tại chương trình. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Còn tại Đại học quốc gia Saint Petersburg, Nga, ngày 18/05, diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh và thời đại ngày nay”. Tại hội thảo, các nhà khoa học Nga và Việt Nam trình bày nhiều tham luận về đạo đức, nhân cách, tư tưởng, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các vấn đề mang tính lịch sử cũng như mang tính thời đại; về vai trò lịch sử của danh nhân, nhà văn hóa, nhà cách mạng lỗi lạc Hồ Chí Minh đối với Việt Nam, quan hệ Việt Nam – Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay, cũng như đối với nhân loại.  

Trong khuôn khổ Hành trình “Theo chân Bác”, tối 18/05, tại tỉnh Na khon pha nôm, Thái Lan, diễn ra chương trình giao lưu hữu nghị Việt Nam-Lào-Thái Lan. Tại đây, các đại biểu khẳng định hành trình “Theo chân Bác” là hoạt động có ý nghĩa, giúp đông đảo đại biểu ba nước Việt nam, Lào và Thái Lan hiểu hơn về những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác tại Lào và Thái Lan trong những năm 1928-1929; đồng thời là dịp các đại biểu giao lưu, tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết và sự hợp tác giữa nhân dân ba nước./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu