Sáng nay (21/12), Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN |
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Theo ông Trần Đình Luân, việc Ủy ban Châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn mà ngành tiếp tục phải đối mặt, đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành. Cùng với tăng cường liên kết doanh nghiệp với chuỗi giá trị thủy sản, gỡ thẻ vàng của EC và kết nối thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, ngành tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho thủy sản: “Phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy. Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng xanh, thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới”.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác thủy sản, theo đó, sớm hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử, phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại địa phương.