Việt Nam đã làm chủ 4 công nghệ sản xuất sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và đang chuẩn bị các phương án để có thể đối phó nếu xảy ra làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.
Ảnh minh họa: Bộ Y tế |
Theo các chuyên gia cao cấp tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam diễn ra sáng 30/6 tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được 1 loại kit xét nghiệm nhanh không cần dùng máy móc và 1 loại sử dụng trên máy xét nghiệm ELISA vừa chẩn đoán COVID-19, vừa chẩn đoán HIV và sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sản xuất được 2 loại kit phục vụ xét nghiệm sâu bằng máy PCR. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1, cho biết: Việt Nam đã phát triển thành công Vaccine dự tuyển, bước đầu cho kết quả tích cực khi thử nghiệm trên động vật, làm cơ sở quan trọng để thời gian tới có thể hoàn chỉnh Vaccine thành phẩm: “Đáp ứng miễn dịch trên động vật là kết quả đầu tiên khi muốn có đáp ứng miễn dịch trên người. Điều đó chứng tỏ vùng kháng nguyên mà chúng ta lựa chọn là vùng phù hợp. Bước tiếp theo là có thể hoàn thiện thành Vaccine phù hợp cho cơ thể người”.
Trước nguy cơ làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19 có thể xảy ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thời gian tới cần tích cực thúc đẩy các dự án nghiên cứu, sản xuất Vaccine với sự tập trung cao độ về nguồn lực và con người. Bộ Y tế phải xây dựng kế hoạch điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, với mục tiêu là vừa bảo đảm phát hiện nhanh, chính xác các ca bệnh, vừa đảm bảo sàng lọc trong cộng đồng.
Từ đó kiểm soát dịch bệnh kịp thời, giảm tải áp lực cho cơ sở y tế và tập trung nguồn lực điều trị những ca dương tính: “Thời gian tới các phương án tiếp tục được thúc đẩy. Ngoài phương án theo quy chuẩn, sẽ chuẩn bị một phương án đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Theo đó Bộ Y tế sẽ có kế hoạch tổ chức lại lực lượng nghiên cứu phối hợp với doanh nghiệp khai thác các lợi thế về nghiên cứu, sản xuất vaccine từ trước đến nay để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh cho nhân dân”.