Thêm bằng chứng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ Atlas thế giới do nhà địa lý học người Pháp Philippe Vandermaelen vẽ và được xuất bản năm 1827. Đây là bản đồ đầu tiên vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

(VOV5) - Chiều 13/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới, Bruxelles 1827, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Atlas thế giới do nhà địa lý học người Pháp Philippe Vandermaelen vẽ và được xuất bản năm 1827. Đây là bản đồ đầu tiên vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

Thêm bằng chứng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông Nguyễn Bắc Son (phải) tiếp nhận bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen. Ảnh: tienphong.

Trong bộ Atlas, bản đồ các nước Châu Á gồm 111 tấm, được xếp chủ yếu trong tập 2 của Bộ Atlas. Tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung Việt Nam từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, quần đảo Hoàng Sa được vẽ chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không chạm đến vĩ độ 18. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Bộ Atlas mà Bộ Thông tin và truyền thông tiếp nhận là tư liệu quý góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục tham gia cùng các bộ ngành sưu tầm, thẩm định, công bố các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo mà còn là một bằng chứng đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu