Hệ thống hóa bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa

Chia sẻ
Trong cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc và bảo vệ quần đảo Trường Sa, việc hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng “quần đảo này là vô chủ vào thời điểm VN xác lập chủ quyền” và “VN thực thi chủ quyền liên tục” là hai vấn đề mấu chốt.

Trong cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc và bảo vệ quần đảo Trường Sa, việc hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng “quần đảo này là vô chủ vào thời điểm VN xác lập chủ quyền” và “VN thực thi chủ quyền liên tục” là hai vấn đề mấu chốt.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình”. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ những cơ sở quan trọng nhất để xác định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa: xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ; thực thi chủ quyền liên tục trên thực tế và bằng biện pháp hòa bình.

Với việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, cuộc đấu tranh giành lại các phần biển đảo bị chiếm đóng đòi hỏi một chiến lược tổng thể và đồng bộ. Trong cuộc đấu tranh dài lâu này, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là yếu tố cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề thu thập tài liệu, bằng chứng.

Trong cuộc trao đổi mới đây với PV Thanh Niên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã giới thiệu một bộ sưu tập gồm hàng trăm bản đồ của Việt Nam và nước ngoài thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông nói: “Các tài liệu của Việt Nam, phương Tây, thậm chí chính tài liệu của người Trung Quốc ngày xưa đều ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam. Mãi tới đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới bắt đầu tính đến việc đòi chủ quyền tại hai quần đảo này, nhưng các tuyên bố của họ rất mơ hồ, vô căn cứ”. Bên cạnh bản đồ, ông Đầu còn sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử cũng như là tác giả của nhiều bài báo khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cho biết một số cơ quan chức năng của Việt Nam đã liên hệ với ông để tiếp cận những tư liệu quý giá này nhằm phục vụ công cuộc đấu tranh vì chủ quyền biển đảo. Việc hệ thống hóa các bằng chứng, nằm rải rác khắp nơi, là điều vô cùng quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền.

Hệ thống hóa bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa với thanh niên tại
TP.HCM - Ảnh: Đỗ Hùng

Tư liệu thời Việt Nam Cộng hòa

Lâu nay, chúng ta thường đưa tin về việc phát hiện các tài liệu thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, những tài liệu của người Trung Quốc, người phương Tây đề cập tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nghiên cứu để sử dụng hợp lý những tài liệu này là rất quan trọng. Bên cạnh các tài liệu “cổ xưa” như trên, chúng ta còn có một hệ thống tư liệu là các văn kiện khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa. Những tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa, trong đó có các tuyên bố phản đối chính thức sau sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm Hoàng Sa năm 1974, là những bằng chứng quan trọng cho chính nghĩa Việt Nam. Trước kia, do nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử, chúng ta ít khi công khai những tài liệu trong giai đoạn này. Giờ đây, để phục vụ cho công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền Trường Sa, những tài liệu ấy cần được nghiên cứu và công bố nhiều hơn, để người dân hiểu rõ hơn về lịch sử chủ quyền, về lập trường xuyên suốt của các chính quyền tại Việt Nam. Không chỉ ở trong nước, các tài liệu này cần được giới thiệu rộng rãi ra quốc tế, để thế giới biết được chính nghĩa của Việt Nam, cũng như nhận thấy hành động dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa mà Trung Quốc đã thực hiện vào năm 1974 và thập niên 1980.

Một nguồn tư liệu sống dồi dào mà lâu nay chúng ta ít đề cập, đó là những con người bằng xương bằng thịt. Họ là những binh sĩ, kỹ thuật viên dân sự Việt Nam Cộng hòa từng chiến đấu và làm việc tại Hoàng Sa. Nhiều người đã ngã xuống khi Trung Quốc nổ súng xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, nhưng cũng rất nhiều người còn sống và là những bằng chứng hùng hồn cho chủ quyền Việt Nam, cũng như là bằng chứng tố cáo hành động phi nghĩa và phi pháp của Trung Quốc.

Để đấu tranh đòi lại vùng biển đảo bị chiếm đóng, chúng ta phải chứng minh các ý chính mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra khi nói về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa - đó là xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ và thực thi chủ quyền liên tục, trong hòa bình. Về ý “xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ”, chúng ta đã có một hệ thống tư liệu đồ sộ; còn về ý “thực thi chủ quyền trên thực tế và liên tục”, chúng ta cần khai thác mạnh hơn nữa những bằng chứng trong giai đoạn chính quyền Sài Gòn quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam cần chứng minh

Trao đổi với PV Thanh Niên vào hôm qua, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nói rằng sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam cần đẩy mạnh việc trưng ra các bằng chứng chứng minh quá trình thực thi chủ quyền liên tục tại quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam cũng cần phải cung cấp các bằng chứng cho thấy đã từng lên tiếng phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với nhóm Đông và Tây quần đảo Hoàng Sa khi các sự việc này mới xảy ra”, ông Thayer nói. Chuyên gia Úc cũng cho rằng “lập trường của Việt Nam chỉ có thể được củng cố nếu Việt Nam cung cấp một danh sách các hành động phản đối liên tục của mình kể từ năm 1974 (thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa - NV) đến nay”. Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) thì đánh giá: “Việt Nam có quyền đưa ra một tuyên bố như thế (tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - NV). Vấn đề là Việt Nam phải cung cấp bằng chứng cho thấy tuyên bố chủ quyền của mình có cơ sở vững chắc hơn Trung Quốc”. Khái niệm vững chắc hơn, theo ông Valencia, có nghĩa là phải chứng minh được hoạt động thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo.

Đỗ Hùng/thanhniem.com.vn

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu