Nhiều hoạt động kỷ niệm 38 năm giải phóng Trường Sa

Chia sẻ
(VOV5) - Kỷ niệm 38 năm giải phóng Trường Sa 29/4, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân tổ chức nhiều hoạt động trên quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

(VOV5) - Kỷ niệm 38 năm giải phóng Trường Sa 29/4, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân tổ chức nhiều hoạt động trên quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Trường Sa, lễ mít tinh kỷ niệm ngày 38 năm ngày giải phóng Trường Sa được tổ chức tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, An Bang... Nhiều công trình của các tỉnh, thành, doanh nghiệp ủng hộ, tặng bộ đội Trường Sa được khánh thành. Quân chủng Hải Quân tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên biển tại khu vực biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và vùng biển DK1; viếng mộ các liệt sĩ được an táng trên đảo; viếng Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa. Từ 1/4 - 16/5, nhiều đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1; thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo và Nhà giàn DK1; thăm các chiến sĩ đang điều trị tại bệnh xá đảo; thăm quan các công trình văn hóa trên các đảo… Trên mỗi chuyến tàu ra đảo, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức tuyên truyền về tám chiến công tiêu biểu, chiếu phim truyền thống Hải quân Việt Nam; giới thiệu “Luật Biển quốc tế và chủ quyền biển đảo Việt Nam”, lịch sử bảo vệ, xây dựng và phát triển đảo, nhà giàn; phát cuốn sách “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”; bộ sách ảnh Trường Sa...

Nhiều hoạt động kỷ niệm 38 năm giải phóng Trường Sa  - ảnh 1

Gửi quà ra đảo Trường Sa


Hôm nay, 27/4, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - khía cạnh lịch sử và pháp lý” khai mạc tại Thành phố Quảng Ngãi. Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường Đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam… Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết: Hy vọng các ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần làm rõ những vấn liên quan  đến chủ quyền lịch sử pháp lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản chất của các tranh chấp đang tồn tại hiện nay, cũng như nêu các sáng kiến, đề xuất các giải pháp làm giảm căng thẳng tại biển Đông, tăng cường sự tin cậy hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan.


Hội thảo lần này được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương có nhiều di tích lịch sử gắn liền với việc các Nhà nước Việt Nam tiến hành quản lý, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là nơi có nhiều ngư dân đánh cá trên Biển Đông, nhất là các ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Hội thảo này diễn ra cùng với thời gian tỉnh Quảng Ngãi tổ chức “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013” nhằm tri ân những người lính trong đội hùng  binh Hoàng Sa năm xưa đã vâng mệnh triều đình (Nhà nước phong kiến Việt Nam) ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: Qua cuộc hội thảo lần này đặt ra vấn đề rất to lớn đối với chúng tôi  là phải tiếp tục điều tra, sưu tầm nghiên cứu  bộ di sản văn hóa Hán Nôm còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Tiếp tục trùng tu tôn tạo các di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; Tiếp tục điều tra các di sản Hán Nôm còn lưu trữ tại các dòng họ  liên quan đến chủ quyền của chúng ta trên 2 quần  đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Ngày mai, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ ra thăm các di tích gắn liền với hoạt động của đội Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn và tham dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu