Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon: Khôi phục tầng ozon, giảm thiểu biến đổi khí hậu

Chia sẻ
(VOV5) - Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm sau, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn đầu của lộ trình quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính. 

Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon (16/9) năm nay có chủ đề “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ozon và giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon: Khôi phục tầng ozon,  giảm thiểu biến đổi khí hậu - ảnh 1Ảnh minh họa: kinhtemoitruong.vn

Hưởng ứng chủ đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức một số hoạt động nhằm đánh giá và phát huy những thành tựu đạt được của việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon.

Theo đó, tại Việt Nam, giai đoạn 2020-2025 đã thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất làm suy giảm tầng ozon, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất này áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất này vào năm 2040. Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết:“Năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozon thể hiện sự cần thiết phải hành động trên cơ sở phối hợp xây dựng quan hệ và phát triển hợp tác toàn cầu để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu và chung tay phục hồi tầng ozon”.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm sau, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn đầu của lộ trình quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay là lượng tiêu thụ các chất này đang gia tăng. Chính vì vậy, ngoài việc các cơ quan chức năng đưa ra các cơ chế chính sách thì các doanh nghiệp cũng chủ động chuyển đổi công nghệ, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính nhưng không làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Bà Lý Thị Phương Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam, chia sẻ: “Việt Nam có mục tiêu là đến năm 2050 thì Việt Nam sẽ trung hoà cac-bon hay nói cách khác là Netzero. Đối với mục tiêu đó thì Tập đoàn Daikin cũng vậy, đến năm 2025 thì sẽ giảm xuống còn 30% so với mức của năm 2019 và đến năm 2050 thì sẽ giảm xuống bằng 0 như Việt Nam cam kết”.

Trong năm nay, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu