Một số địa phương bứt phá trong bảng xếp hạng PCI 2022

Trang Uyên Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Thông qua việc công bố PCI, VCCI và USAID mong muốn cổ vũ chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường.

Sáng 11/04, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố "Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022".

Một số địa phương bứt phá trong bảng xếp hạng PCI 2022 - ảnh 1Quảng Ninh 6 năm liên tiếp giữ vị trí "quán quân" trong bảng xếp hạng PCI. Ảnh: VOV5

Đây là dự án do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Theo báo cáo PCI 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95/100 điểm. Vị trí này được tỉnh Quảng Ninh giữ vững trong 6 năm qua (từ 2017-2022). Đáng chú ý, kết quả PCI 2022 có sự thay đổi ngoạn mục về vị trí xếp hạng của tỉnh Bắc Giang, khi tăng 29 bậc, từ vị trí 31 trong PCI 2021 lên vị trí thứ 2 trong PCI 2022. Vị trí thứ 3, 4 và 5 trên bảng xếp hạng PCI 2022 lần lượt là Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp; Thủ đô Hà Nội xếp vị trí thứ 20 và Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí thứ 27.

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, trong năm qua, từ đó, cho thấy nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp có những đánh giá tích cực về thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của chính quyền các địa phương.  

Một số địa phương bứt phá trong bảng xếp hạng PCI 2022 - ảnh 2Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: VOV5

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: “Bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt, tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất, như: đất đai, lao động, tín dụng… Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm các phiền hà về thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua”.

Một số địa phương bứt phá trong bảng xếp hạng PCI 2022 - ảnh 3Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam. Ảnh: VOV5

Đáng chú ý, trong Báo cáo PCI 2022, lần đầu tiên VCCI và USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), nhằm đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường ở các khía cạnh, như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Trong lần đầu công bố, ba tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI là: Trà Vinh, Long An và Bắc Ninh. Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra chỉ số Xanh cấp tỉnh, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đi theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển xanh. PGI có thể giúp Việt Nam tiến xa hơn nữa trên lộ trình tăng trưởng bền vững, cũng như đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.   

Thông qua việc công bố PCI, VCCI và USAID mong muốn cổ vũ chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn tại Việt Nam. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu