Hưng Yên đẩy mạnh phát triển các dự án giao thông trọng điểm

Ánh Huyền tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Hưng Yên dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Xác định hạ tầng giao thông là nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, thời gian qua, cùng với triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Hưng Yên dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Nhiều dự án, công trình giao thông được xây dựng với tầm nhìn chiến lược góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đồng thời tô thêm vẻ đẹp hiện đại cho một tỉnh đồng bằng có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2021, Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch về thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo hành lang để hình thành nên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, cụm, khu công nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng còn khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng hệ thống giao thông trọng yếu kết nối thuận tiện với các cửa khẩu quốc tế, cảng, sân bay, thu hút đầu tư vào Hưng Yên, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Với sự nỗ lực cao, tinh thần làm việc khẩn trương, hệ thống kết cấu giao thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục được đầu tư tạo thành một mạng lưới giao thông khá bền vững, liên hoàn và phát triển, góp phần đưa Hưng Yên tạo lập diện mạo mới, vị thế mới.

Hưng Yên đẩy mạnh phát triển các dự án giao thông trọng điểm - ảnh 1Thủ tướng yêu cầu hoàn thành công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài càng sớm càng tốt, “sớm ngày nào thì Hưng Yên phát triển ngày đó, nhân dân được hưởng lợi ngày đó”. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi với hệ thống đường cao tốc, quốc lộ. Tỉnh cũng đưa vào khai thác nhiều dự án giao thông quan trọng, có tính kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Đặc biệt, dự án xây dựng tuyến đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên là hai công trình giao thông được Thủ tướng Chính phủ dự Lễ khởi công chào mừng nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831-2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (1941-2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1997-2022). Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: "Hưng Yên đã xác định đúng trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, thể hiện nghiêm túc thực hiện triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng 13, rất đúng với trọng tâm phát triển Hưng Yên thành một thành phố công nghiệp hiện đại. Tôi hoan nghênh việc này. Tổng số km chiều dài của 2 tuyến đường này khoảng hơn 50km với tổng vốn dự kiến hơn 4.400 tỷ thì Hưng Yên đã huy động được 2/3, Trung ương chỉ hỗ trợ 1/3, tôi cho đây là quyết tâm rất cao của tỉnh".

Việc hai dự án giao thông trọng điểm này đi vào khai thác sẽ tạo 3 trục kết nối giữa Hưng Yên với Hà Nội, Hưng Yên với tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và tuyến cao tốc Hà Nội-Ninh Bình. Qua đó, tạo nên bước đột phá mạnh mẽ, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh và liên vùng theo hướng hiện đại, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn tới. Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: "Để đón đầu, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư các tuyến đường cũng như sử dụng hiệu quả quỹ đất xung quanh khu vực dự án, tỉnh đang quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, dịch vụ để tiếp tục phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bứt phá cho sự phát triển của tỉnh, sớm đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững".

Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến, Hưng Yên sẽ có 106 dự án giao thông được triển khai. Các dự án này đều là những tuyến đường quan trọng kết nối với hệ thống giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực khai thác của nhiều tuyến đường giao thông, tăng cường khả năng kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Hưng Yên Khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự: “Hưng Yên cần phát huy tối đa lợi thế của một tỉnh có vị trí thuận lợi là cửa ngõ phía Đông Nam của Thủ đô Hà Nội, nhất là nâng cao năng lực kết nối giao thông từ Hà Nội đến Hưng Yên qua Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội. Đây là động lực quan trọng để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng. Do đó tỉnh phải tích cực chủ động trong công tác bồi thường, tái định cư, thu hồi đất, đảm bảo thi công công trình chất lượng, đúng tiến độ”.

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 công bố tháng 5/2022, Hưng Yên tăng tới 14 bậc, vươn lên xếp thứ 39 trong bảng xếp hạng. Nhiều chỉ số thành phần quan trọng có sự tăng điểm so với năm 2020, trong đó có chỉ số tiếp cận đất đai. Điều này khẳng định việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Các dự án, công trình giao thông được xây dựng là động lực để Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu