Gà Đông Tảo đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hưng Yên

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Theo Đề án, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt: 10 - 11 triệu con gia cầm, trong đó  55 đến 60% là gà Đông tảo, Đông tảo lai.

 Gà Đông Tảo là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đây là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thời gian qua, gà Đông Tảo được giữ giống bằng nhiều phương cách, gà thuần chủng đã nhân ra số lượng lớn, cung cấp cho thị trường toàn quốc, tạo ra giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh khi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi các loại con khác, thời gian thu sản phẩm nhanh. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Liên kết trong chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi cũng từng bước được hình thành, xuất hiện một số hợp tác xã chăn nuôi có hiệu quả. Tính đến tháng 10/2022, đàn gà của tỉnh có gần 6.700 con trên tổng số 9.600 con gia cầm. Chăn nuôi gia cầm nông hộ quy mô dưới 300 con giảm mạnh và tăng nhanh chăn nuôi trang trại và gia trại, quy mô bình quân 700 - 1000 con.
Gà Đông Tảo đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hưng Yên - ảnh 1Gà Đông Tảo đạt chuẩn thì phải có dáng hình bệ vệ, thân hình to, da đỏ, đầu oai vệ, cặp chân vững chãi. Ảnh: Báo Dân Việt

Đặc biệt, chăn nuôi gà Đông Tảo phát triển khá tốt về số lượng, chất lượng, hình thức và hiệu quả chăn nuôi. Mô hình nuôi gà Đông Tảo đã trở thành nguồn phát triển kinh tế chủ yếu của nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Với trên 2.500 hộ nuôi hơn 700.000 con cả gà giống lẫn gà thịt, mỗi năm mang lại doanh thu từ 100 - 200 triệu đồng/hộ (khoảng 4.200 – 8.400 USD), gà Đông Tảo đang góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Chia sẻ của một số người nuôi gà:

"Đối với người nông dân, chăn nuôi gà Đông Tảo hiệu quả hơn là làm ruộng. Tổng thu vào khoảng hơn 1 tỷ/năm, lãi tầm 300 triệu."

"Nhà em mỗi tuần cấp ra thị trường hơn 100 con, thấy nuôi có giá trị kinh tế cao nên mình học hỏi."

Để phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi ngành hàng gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng nông thôn mới, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà Đông Tảo lai theo hướng hữu cơ”. Mục tiêu: chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà Đông Tảo lai ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả; chăn nuôi an toàn sinh học và bảo đảm vệ sinh môi trường. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 4/2022, tại các xã: Lạc Đạo (Văn Lâm), Hồng Quang (Ân Thi), Nghĩa Dân (Kim Động) và phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào), với quy mô 8 nghìn con gà Đông Tảo lai.

Gà Đông Tảo đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hưng Yên - ảnh 2Gà Đông Tảo trong vườn một hộ nông dân trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Báo Dân Việt

Các hộ tham gia cho biết nuôi gà Đông Tảo lai theo hướng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và ưu điểm vượt trội. Đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt; tỷ lệ sống đạt trên 93%, không bị ảnh hưởng của thời tiết và nhiễm bệnh. Trừ chi phí, ước tính mỗi con cho thu lãi khoảng 30 nghìn đến 50 nghìn đồng, cao hơn so với nuôi giống gà khác.

Ông Khắc Chung, hộ nuôi gà Đông Tảo ở Hưng Yên, chia sẻ: "Tôi thấy hiệu quả tốt, con giống đẹp. Mọi quy trình được bàn giao, phổ biến cho nhau, cùng nhau phát triển kinh tế."

Với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, tháng 3/2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi Vietgap đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030. Theo Đề án, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt: 10 - 11 triệu con gia cầm, trong đó  55 đến 60% là gà Đông tảo, Đông tảo lai.

Cùng với đề án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học thì yếu tố thị trường có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản của địa phương. Do đó, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên yêu cầu các ngành liên quan cần quan tâm, tìm hiểu thị trường tiêu thụ, mở ra các kênh tiêu thụ mới cho các mặt hàng nông sản, trong đó có gà Đông Tảo. Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Hùng Nam, cho biết: "Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá trên nền tảng công nghệ số, phối hợp chặt chẽ để kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn, trang trại của tỉnh đưa nông sản chất lượng cao của tỉnh lên các sàn giao dịch điện tử uy tín. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức giới thiệu nông sản của tỉnh tới người tiêu dùng cả nước. Chúng  tôi còn tổ chức các kênh giao thương trực tuyến để các doanh nghiệp trong nước trực tiếp kết nối với các doanh nghiêp, hợp tác xã, trang trại của tỉnh để trao đổi thương mại, thương thảo hợp đồng".

Xưa kia, gà Đông Tảo thường được dùng làm lễ vật để tiến Vua. Ngày nay, với định hướng phù hợp của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự đa dạng trong tiếp cận thị trường, gà Đông Tảo ngày càng được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu