Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão Yagi và mưa lũ sau bão, tính đến 17 giờ 30 phút hôm nay (11/9), đã có 179 người chết, 145 người mất tích do bão Yagi và hoàn lưu bão gây ra.
Nhiều trụ sở, trường học, nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; nhiều cột truyền thông, trạm phát song di động bị gãy đổ. Hiện các bộ, ngành, địa phương… đang nỗ lực khắc phục hậu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ để thảo luận về một số luật trình Quốc hội - Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Chiều nay (11/9), phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão Yagi.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại do cơn bão và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số; nhanh chóng ổn định tình hình. Đồng thời tìm mọi biện pháp, bằng mọi phương tiện đường thủy, đường bộ, hàng không, tiếp cận, hỗ trợ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị chia cắt, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men...
Tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi xảy ra vụ sạt lỡ, vùi lấp gần 40 hộ dân, hơn 600 người là lực lượng công an, quân đội, dân quân và người dân đang tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn. Ông Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Địa phương vẫn chưa có điện. Chúng tôi đang tích cực cùng các lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương tích cực tìm kiếm thi thể còn nằm dưới đống đổ nát".
Trong khi đó, Viettel Lào Cai đã khẩn trường đặt trạm phát sóng mới để phục vụ công tác cứu hộ, cứ nạn tại làng Nủ.
Tại tỉnh Tuyên Quang, các cơ quan chức năng huy động tối đa lực lượng đưa người dân ra khỏi khu vực đi ngập. Ông Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, cho biết:"Bây giờ đã di chuyển được toàn bộ người già về nơi an toàn. các nhóm fanpage, zalo của mặt trận và các tổ chức thành viên đã đưa thông báo để người dân cảnh giác có biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế".
Tại tỉnh Yên Bái, đến nay, gần 11.000 người đã được huy động tham gia khắc phục hậu quả. Rất nhiều đoàn từ thiện ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đã mang thuốc men, thực phẩm tiếp tế cho các hộ dân bị ngập.
Trong khi đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực ủng hộ đồng bào trong nước. Hôm qua, Đại sứ quán Việt Nam và Liên Hiệp hội người Việt Nam cùng các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản đã phát động chiến dịch kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân trong nước bị thiệt hại do bão Yagi. Ngay sau khi lời kêu gọi được phát đi, Công ty cổ phần SUN SHINE (Nhật Bản) đã ủng hộ 200 triệu đồng (8.000 USD) và triển khai mua lương thực, thực phẩm cùng đồ dùng thiết yếu để cho đợt cứu trợ đầu tiên lên khu vực tỉnh Thái Nguyên và Yên Bái.