Hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ

Chia sẻ
(VOV5)- Ngày hôm nay 02/04 được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ với khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này.
(VOV5)- Ngày hôm nay 02/04 được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ với khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này.

Chủ đề được Liên hợp quốc lựa chọn cho năm nay là "Gắn quyền lợi của người tự kỷ với quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia". Trong thông điệp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia đảm bảo lời hứa "Không  để ai bị để lại phía sau" mà các nước đã nhất trí trong mục tiêu phát  triển bền vững.

Hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ - ảnh 1
Thành viên CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội và các tình nguyện viên đi bộ để hưởng ứng ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ.

Trong Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, hôm nay, tại Hà Nội, hàng trăm trẻ tự kỷ trong cả nước cùng tham dự Ngày hội Thể thao Thân thiện dành cho trẻ tự kỷ. Các trẻ tự kỷ trên khắp cả nước có cơ hội thi đấu các môn thể thao như kéo co, đi cà kheo... Đây là cơ hội để các em hòa nhập với cộng đồng. Năm nay là năm đầu tiên hoạt động này được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Theo mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và tỷ lệ người mắc mới đang có dấu hiệu gia tăng.

Trước đó, ngày 01/04, Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam phối hợp Tổ chức Phát triển khuyết tật châu Á Thái Bình Dương (APCD) tổ chức hội thảo “Tự kỷ ở Việt Nam-Hiện trạng và thách thức”. Phát biểu tại đây, bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, cho rằng:“Người tự kỷ cũng giống như 7,2 triệu người khuyết tật Việt Nam, không cần những người đại diện cho tiếng nói của người tự kỷ như chúng tôi để kêu gọi tình thương hay kêu gọi về sự cảm thông như những cảm thông dành cho người yếu thế. Chúng tôi tin rằng người tự kỷ nói riêng hay người khuyết tật nói chung cần chúng ta giúp họ có một cuộc sống bình đẳng, có quyền được tôn trọng, yêu thương, giống như tất cả những người bình thường. Thông điệp của chúng tôi muốn truyền tải vẫn luôn là “Hãy hiểu, yêu thương và chia sẻ với người tự kỷ để chúng ta cùng nhau có một cuộc sống hạnh phúc”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu