Hiệp định Paris năm 1973, thắng lợi của Việt Nam trên cả 3 mặt trận

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 27/1 tới, Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 40 năm đã qua nhưng sự kiện quan trọng này luôn là mốc son trong lịch sử dân tộc Việt nam trên cả 3 mặt trận ngoại giao, quân sự và chính trị. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp trao đổi cùng các chuyên gia lịch sử- quân sự Pháp về ý nghĩa của Hiệp định Paris 1973.

(VOV5) - Ngày 27/1 tới, Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 40 năm đã qua nhưng sự kiện quan trọng này luôn là mốc son trong lịch sử dân tộc Việt nam trên cả 3 mặt trận ngoại giao, quân sự và chính trị. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp trao đổi cùng các chuyên gia lịch sử- quân sự Pháp về ý nghĩa của Hiệp định Paris 1973.

 Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 đã dành toàn bộ chương I cho các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và điều 9 chương IV cho việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nội dung của Hiệp định Paris đã đáp ứng những yêu cầu căn bản và mấu chốt của nhân dân Việt Nam là chấm dứt sự can thiệp của Mỹ, Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.


Hiệp định Paris năm 1973, thắng lợi của Việt Nam trên cả 3 mặt trận - ảnh 1
(Ảnh: lichsuvietnam.vn)


Ông Daniel Roussel, nhà báo- nhà làm phim lịch sử của Pháp, người đang thực hiện bộ phim tài liệu nước ngoài đầu tiên về “Hiệp định Paris” cho biết chính cuộc đấu tranh “kỳ diệu và tuyệt vời” để đến với hòa bình của nhân dân Việt Nam đã thôi thúc ông làm bộ phim: “Đây là một câu chuyện kỳ diệu, trong thời hiện đại mà phải có các cuộc đàm phán kéo dài tới gần 5 năm, là một trong những cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử. Câu chuyện kỳ diệu ở cuộc đấu trí của đoàn miền Bắc với phía Mỹ; cuộc đấu trí giữa hai con người Lê Đức Thọ và Henry Kissinger; kỳ diệu ở sự kiên cường, khôn khéo của đoàn miền Nam mà người dẫn đầu là bà Nguyễn Thị Bình. Có những thời điểm nhiều khi tưởng như hòa bình đã đến rất gần, rồi lại đột ngột bị đẩy ra rất xa. Và đàm phán luôn song hành với diễn biến trên trận địa ở Việt Nam; tiến, lùi cùng thế trận quân sự”.

Chuyên gia lịch sử - quân sự Pháp Pierre Journoud, tác giả của cuốn sách “Việt nam 1968-1976: Ra khỏi chiến tranh”, khẳng định: “Khả năng chống trả đáng ngưỡng mộ của Việt nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, kết hợp với sự khôn ngoan của Việt nam trên bàn đàm phán, đồng thời tận dụng thế cờ chính trị- ngoại giao khu vực đã làm nên Hiệp định Paris lịch sử. Chính quyền Mỹ khi đó đã sai lầm khi tiến hành một chiến dịch hao người tốn của mà lại không thể gỡ cho họ kết cục phải rút khỏi cuộc chiến ở Việt nam. Bản thân chính quyền Pháp cũng đã phải thay đổi cách nhìn về sức mạnh của Việt nam vào thời điểm đó”.

Hiệp định Paris 1973 do 4 bên Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa ký tại Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973. Hiệp định có 9 chương, trong đó có phần ghi rõ Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ngừng bắn trên toàn Việt Nam bắt đầu từ 27 tháng 1 năm 1973./.
                                                                                                                      Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu