Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8%

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, Báo cáo của VEPR đưa ra 2 dự báo theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2020 có thể đạt 3,8%. Đó là dự báo được đưa ra trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 21/07, tại Hà Nội. Báo cáo của VEPR chỉ rõ Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý II/2020, đạt 0,36%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%; lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 4,19%.

Về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, Báo cáo của VEPR đưa ra 2 dự báo theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch. Cụ thể, ở kịch bản cơ sở, mức tăng trưởng cả năm của nền kinh tế sẽ là 3,8% với bối cảnh dịch bệnh không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường; trong khi trên thế giới, bệnh dịch khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý III/2020. Còn ở kịch bản bất lợi, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn, nhưng các nước trên thế giới phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV/2020, mức tăng trưởng cả năm của Việt Nam sẽ chỉ đạt 2,2%.

Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8%  - ảnh 1

Theo đánh giá của VEPR, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình…

Đưa ra những khuyến nghị về chính sách trong thời gian tới, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng: Chúng ta theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng, nhưng bối cảnh hiện nay nên thông qua việc thu hẹp các khoản thu, tức là giãn, giảm tối đa các chi phí đang đặt gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp, thay vì mở rộng theo cách vẫn thực hiện các khoản thu này và mở rộng chi tiêu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu