Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới

Chia sẻ
(VOV5) - Để xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần tạo sự đồng nhất về tư tưởng, nhận thức trong giới doanh nhân cũng như toàn xã hội về các giá trị đạo đức.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, sáng 11/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới - ảnh 1Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VOV

Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định sau hơn 35 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Để xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần tạo sự đồng nhất về tư tưởng, nhận thức trong giới doanh nhân cũng như toàn xã hội về các giá trị đạo đức; cần tuân thủ, bắt đầu bằng việc xây dựng và khuyến khích thực hành các quy tắc đạo đức doanh nhân. Đồng thời cũng gợi mở một số vấn đề lý luận về đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, góp phần thống nhất về nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Từ đó tạo nền tảng hình thành và phát triển văn minh kinh doanh của đất nước.

Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới - ảnh 2Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VOV

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: "Khi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thẩm thấu vào hoạt động kinh tế, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ vượt qua việc tìm kiếm những lợi ích chỉ cho mình, mà thăng hoa trở thành sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.
Trước đây, sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân yêu nước thể hiện bằng những hành động đóng góp của cải, vật chất cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày nay, sự cống hiến thể hiện bằng những nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân làm giàu cho chính mình, cho cộng đồng và đất nước với mục tiêu xuyên suốt: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu