99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Báo chí luôn tiên phong, đi đầu và liên tục đổi mới

Chia sẻ
(VOV5) - Báo chí cách mạng phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực. 

Hôm nay (21/06), kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925 – 21/06/2024). Gần 1 thế kỷ qua, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước.

99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Báo chí luôn tiên phong, đi đầu và liên tục đổi mới - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: TTXVN

Báo chí cách mạng phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng, những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ này. Hiện nay, Việt Nam có 797 cơ quan báo chí; nhân lực làm báo chí có 41.000 người, trong đó có 23.000 người được cấp thẻ nhà báo. Một năm, các cơ quan báo chí tạo ra khoảng 40 triệu tin bài và khi đi vào không gian mạng, lan tỏa ra thành 400 triệu tin bài, tạo thành dòng chủ lưu trên không gian mạng. Mỗi năm sản xuất 20.000 giờ phát thanh, 50.000 giờ truyền hình.

Đóng góp vào sự phát triển chung của nền Báo chí cách mạng Việt Nam những năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ, trở thành cơ quan báo chí chủ lực, đa loại hình, đa phương tiện, đa nền tảng, là cơ quan truyền thông mạnh hàng đầu của quốc gia, có uy tín ở tầm châu lục và quốc tế.

99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Báo chí luôn tiên phong, đi đầu và liên tục đổi mới - ảnh 2Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ - Ảnh: VOV

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: "Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định là một cơ quan báo chí truyền thông chủ lực đa loại hình, đa phương tiện và đa ngôn ngữ. Thông thường phát thanh, truyền hình đưa tin nguyên dạng bài phát biểu, nhưng đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi còn biên tập, biên dịch ra tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc để phát thanh đến đồng bào dân tộc trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Đây là lợi thế của Đài Tiếng nói Việt Nam".

Trong bối cảnh truyền thông phát triển nhanh chóng như hiện nay, theo nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, yêu cầu cơ bản với người làm báo hiện nay là: "Phải luôn luôn bám sát thực tiễn đời sống để mỗi bài viết, mỗi tấm ảnh, mỗi thước phim có hơi thở của cuộc sống. Cuộc sống này là cuộc sống của đất nước, của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới. Phải đọc nhiều, phải đi nhiều, phải nghĩ nhiều để tìm cách viết, cách thể hiện để những bài báo thật sự đi vào lòng công chúng, tạo dấu ấn cho công chúng".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu