Phát thanh Việt Nam vượt qua thách thức, bứt phá để thay đổi

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Với nhiều đặc tính riêng biệt, phát thanh vẫn duy trì chỗ đứng vững chắc trong bối cảnh nhiều phương thức truyền thông mới xuất hiện.

Hôm nay (21/06), kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2024). Trong sự phát triển chung của báo chí Việt Nam, phát thanh đóng góp một phần quan trọng để truyền tải thông tin tới đông đảo người dân ở khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Bối cảnh các loại hình báo chí truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay đã đặt ra những thách thức cho ngành phát thanh, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để loại hình báo chí có tuổi đời gần 80 năm bứt phá và thay đổi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về thông tin của công chúng.

Phát thanh Việt Nam vượt qua thách thức, bứt phá để thay đổi - ảnh 1Trụ sở Đài TNVN tại 58 Quáng Sứ, Hà Nội

Phát thanh luôn là loại hình báo chí và là lực lượng truyền thông tiện lợi, đại chúng, thông tin nhanh, hiệu quả về các sự kiện, vấn đề của xã hội quan tâm tới đông đảo công chúng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy xã hội phát triển. Với nhiều đặc tính riêng biệt, phát thanh vẫn duy trì chỗ đứng vững chắc trong bối cảnh nhiều phương thức truyền thông mới xuất hiện.

Phát thanh – bạn đồng hành của mọi thính giả

Đài phát thanh vẫn luôn là một phương tiện truyền thông phổ cập toàn cầu, có tính đồng nhất, đặc biệt là phổ cập tới những khu vực nghèo, khu vực chưa được quan tâm đầy đủ, khu vực nông thôn và những khu vực khó tiếp cận, ở những nơi đó, đài phát thanh vẫn là một trong số ít những nguồn thông tin giải trí sẵn có, chi phí thấp mà lại đáng tin cậy. Đối với một số khu vực, đây còn là nguồn thông tin duy nhất. Phát thanh trao cho tất cả mọi người, không kể trình độ học vấn hay địa vị kinh tế xã hội, những cơ hội để tưởng tượng, để giải trí và để tham gia vào những cuộc tranh luận công khai, tương tác trên làn sóng.

Phát thanh Việt Nam vượt qua thách thức, bứt phá để thay đổi - ảnh 2Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập và thính giả - Ảnh: vtcnews.vn

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập và thính giả, cho rằng: "Tại Việt Nam, phát thanh vẫn là 1 trong những loại hình báo chí tiếp cận được với nhiều công chúng. Đặc biệt, ngoài công chúng ở thành phố, phát thanh Việt Nam cũng có thế mạnh đi được xa, đến được nhiều vùng sâu, vùng xa và thính giả ở nước ngoài để cung cấp những thông tin hữu ích nhất. Phát thanh cũng có chức năng giáo dục để mang tới cho công chúng những kiến thức, phương pháp để có thể làm chủ cuộc sống, có thể làm ăn kinh tế tốt hơn, phổ biến pháp luật… Phát thanh Việt Nam được Chính phủ quan tâm, đầu tư nhiều trang thiết bị, đặc biệt là máy móc để phủ sóng được hơn 90% vùng lãnh thổ. Không phải loại hình báo chí nào ở Việt Nam cũng có thể đạt được mức độ phủ sóng lớn như vậy".

Trong gần 80 năm qua, kể từ ngày 02/09/1945, buổi phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh đã trở thành “bạn đồng hành” của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hậu, thính giả đã có hơn 40 năm gắn bó với các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, ở tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng nghe đài. Khoảng 4 rưỡi đến 5 giờ sáng, tôi dậy mở đài nghe, có khi vừa làm việc vừa nghe. Chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam rất phong phú. Hồi tôi còn nhỏ, tôi thấy chương trình chỉ có một kênh thôi, còn bây giờ có nhiều chương trình, phong phú và hấp dẫn. Bây giờ còn có sự tương tác giữa Đài và thính giả, giúp tôi thấy gần gũi hơn. Cùng với đó, chương trình kết hợp giữa ca nhạc, văn hóa, giải trí, thông tin thời sự, thông tin khoa học, xã hội đa dạng hơn".

Đối với các thính giả trẻ hiện nay, phát thanh cũng là 1 lựa chọn để tìm kiếm những thông tin chính xác, gần gũi. Bạn Nguyễn Thị Trà Giang, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cảm nhận: "Ngôn ngữ của phát thanh là ngôn ngữ nói, nên những người làm phát thanh cũng chú trọng điều đó, khiến cho thính giả nghe đài nhưng cảm thấy mình đang nhìn thấy. Họ xây dựng các chương trình dựa trên điều đó nên khi đến với công chúng, mọi thứ rất gần gũi, dễ hiểu và dễ hình dung. Em hay nghe các chương trình VOV3, rất tươi trẻ, nhất là những chương trình đọc thư, em cảm thấy sự tương tác của các phát thanh viên với thính giả rất gần gũi, cởi mở".

Vượt qua thách thức, bứt phá để thay đổi

Trong lịch sử phát triển của ngành phát thanh Việt Nam, công chúng đã và đang chứng kiến sự đổi mới không ngừng nghỉ của 1 trong những loại hình báo chí truyền thống. Chất lượng từng chương trình phát thanh luôn được đổi mới từng ngày, hấp dẫn hơn và lan tỏa rộng khắp hơn.

Đài Tiếng nói Việt Nam luôn là đơn vị tiên phong trong xu hướng chung đó. Từ 1 phương thức truyền tải thông tin duy nhất là phát thanh, đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát triển thêm 3 loại hình truyền thông nữa là báo in, báo điện tử và báo hình. 4 phương thức truyền tải thông tin này hỗ trợ nhau, lấy công chúng làm trung tâm, làm đối tượng hướng đến, do đó, thông tin của Tiếng nói Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả và hấp dẫn hơn. Sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của thính giả trong nước mà còn vươn ra thế giới. Với kênh phát thanh đối ngoại gồm 12 thứ tiếng nước ngoài và tiếng Việt dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc, tiếng nói Việt Nam đã không ngừng vươn xa, trở thành cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Phát thanh Việt Nam vượt qua thách thức, bứt phá để thay đổi - ảnh 3Ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Ảnh: VOV

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số, đã khiến các loại hình báo chí có sự cạnh tranh gay gắt về nhiều mặt. Đây là thách thức lớn với những người làm báo phát thanh, nhưng cũng tạo cho phát thanh những cơ hội để bứt phá, để thay đổi. Ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhấn mạnh: "Đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần cố gắng nhiều hơn nữa, có những ý tưởng sáng tạo, sản xuất được những chương trình có thể đồng hành cùng thính giả. Quan trọng hơn là chúng ta phải đổi mới cách làm thông tin, phát thanh phải gần gũi, hiện đại, tương tác hơn nữa để làm sao thính giả tiếp nhận được đầy đủ thông tin với cách truyền đạt nhanh gọn nhất, dễ hiểu nhất và hiểu quả nhất. Chúng tôi rất tin tưởng về tương lai của phát thanh, của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong suốt 80 năm phát triển, tiếp tục là kênh cầu nối giữa Đảng và nhân dân, nơi trao gửi niềm tin của Đảng và của nhân dân trên các diễn đàn về mặt thông tin".

Phát thanh, người bạn đồng hành thân thiết với khán, thính giả và độc giả, đang vượt qua thách thức, bứt phá, thay đổi để giữ được vị thế trong lòng công chúng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu