Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm tại Việt Nam. Với mỗi người Việt, Tết là dịp để sum họp, quây quần, để gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Tết là lúc để mọi người tổng kết lại một năm cũ đã qua và hướng tới một năm mới với nhiều hy vọng. Với người nước ngoài, Tết Nguyên đán là gì?
Ấn tượng đầu tiên của bạn khi nhắc đến Tết cổ truyền Việt Nam là gì?
- Đường phố rất vui/ Nữ (tiếng Anh): Rất nhiều màu sắc.
Cây quất.
Bánh chưng ở khắp mọi nơi.
Gia đình/Nam (tiếng Anh): Gia đình đoàn tụ.
Tet holiday. It’s my favourite time of the year. It makes me fell so great when I drink too much beer. Oh, I love Vietnam.
Những ngày giáp Tết, khắp mọi nẻo đường, con phố của Hà Nội luôn đông vui, nhộn nhịp, nhất là tại những tuyến phố chuyên kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm đồ Tết của người dân, như: Hàng Mã, Hàng Buồm, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Bè, chợ hoa Hàng Lược...
Tại những địa điểm này, bạn có thể tìm mua mọi thứ liên quan đến Tết, như: đồ trang trí nhà cửa; mua đào, quất – những loại cây trang trí không thể thiếu trong mỗi gia đình miền Bắc dịp Tết; mua gà, giò, xôi, bánh Chưng...– những món ăn luôn xuất hiện trên mâm cỗ Tết của người dân miền Bắc Việt Nam... Cùng với đó, dịp này, phố phường Thủ đô như thay áo mới, khắp mọi nơi, từ nhà ra phố tràn ngập sắc Xuân với cờ, hoa, cây cảnh, đèn trang trí rực rỡ sắc màu…
Jeon Hyong Jun (tên thường gọi Tuấn Jeon), người Hàn Quốc |
Aphixat (tên thường gọi là Sạt), người Lào, và Jeon Hyong Jun (tên thường gọi Tuấn Jeon), người Hàn Quốc, chia sẻ:
"Mình thích nhất là khung cảnh đường phố. Ngày Tết, đường phố rất vui. Mọi người bán cây, bán hoa, bán rất nhiều thứ. Nhà nào trông cũng tươi vui. Mình thích nhất điều này.
"Ở Hàn Quốc, Tết âm lịch cũng là một ngày lễ lớn, nhưng không được tổ chức cầu kỳ như ở Việt Nam. Ở Hàn Quốc, mọi người coi ngày Tết chỉ là ngày nghỉ, gặp gia đình, thăm ông bà, đi tảo mộ… Chỉ như vậy thôi. Nhưng lần đầu tiên ăn Tết ở Việt Nam, em cảm thấy rất đặc biệt. Ở đâu cũng trang trí rực rỡ, có cây quất, cây đào… Mọi người rất bận rộn chuẩn bị cho Tết. Đối với em, lần đầu tiên em thấy rất nhiều cây quất trên đường, trong các toà nhà… ở đâu cũng có cây quất."
Trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam, thay vì trở về với gia đình, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam đã chọn ở lại tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của người Việt và tận hưởng bầu không khí Tết cổ truyền.
Trong khi đó, nhiều du khách quốc tế cũng chọn Việt Nam là điểm đến trong dịp này để khám phá những điều thú vị về phong tục của người Việt trong ngày Tết. Với Onishi Kanna (người Nhật Bản) và Tuấn Jeon, một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua chính là gói bánh Chưng.
"Đây là năm thứ 2 em ăn Tết ở đây. Điều ấn tượng nhất là gói bánh Chưng. Bánh Chưng làm rất công phu và rất thú vị. Em biết được bánh Chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt Nam."
"Lần đầu tiên em vừa được làm, vừa được thưởng thức bánh Chưng và thấy rất đặc biệt. Làm bánh Chưng rất khó. Bánh Chưng em gói là hình chữ nhật, không phải hình vuông nên không được đẹp. Thấy ông bà, các cô chú gói rất đẹp nên em đã cố gắng để làm thật tốt. Khi làm bánh, chờ luộc bánh, mọi người cùng nhau trò chuyện. Khi bánh chín, mọi người ăn cùng nhau, chia sẻ với nhau. Rất vui."
Phố Hàng Mã ngày giáp Tết. Ảnh: moitruongvadothi.vn |
Tết là đông vui, nhộn nhịp, là cây quất, bánh Chưng… Vậy bạn có biết tại sao Tết cũng là “Gia đình” không? Bao đời nay, dân tộc Việt Nam coi trọng truyền thống gia đình, coi gia đình là mái ấm, là chiếc nôi dưỡng dục con người từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành. Dù ở thời điểm nào, giá trị văn hóa Tết vẫn luôn được bảo tồn và phát huy qua các phong tục truyền thống, như: thăm mộ tổ tiên, gói bánh Chưng, dọn dẹp nhà cửa đón Tết; ăn bữa cơm đoàn viên cuối năm; chuẩn bị và cúng giao thừa, chúc Tết người thân…
- "Chúc cả nhà năm mới nhiều sức khỏe nhé. Năm mới nhiều cái mới. Năm mới nhiều điều tốt lành.
- Chúng con chúc sức khỏe bố mẹ.
- Con chúc sức khỏe ông bà.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, gia đình Việt có những thay đổi nhưng nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển. Ngày Tết Nguyên Đán còn là ngày hội của gia đình, là ngày của sự đoàn tụ, ngày để mọi người trở về với gia đình. Hiểu được ý nghĩa thiêng liêng này, năm nào anh James Wright, người Anh, và vợ cũng cố gắng sắp xếp công việc để đưa các con trở về Việt Nam đón Tết với gia đình vợ.
"Năm nào cũng vậy, chúng tôi cũng sẽ về Việt Nam khoảng 2 – 3 tuần để đón Tết cùng bố mẹ vợ. Tôi có thời gian được đi mua sắm, chuẩn bị các thứ cho Tết cùng vợ. Đặc biệt, tôi rất thích bữa cơm đoàn viên ngày Tết. Cả nhà cùng quây quần, trò chuyện, không khí gia đình rất vui vẻ, đầm ấm. Ngày Tết chúng tôi còn đi thăm nhà họ hàng, bạn bè, rất vui. Điều này làm cho Tết cổ truyền Việt Nam khác hẳn so với Tết ở phương Tây. Ngày Tết đã giúp tôi biết nhiều hơn về văn hóa Việt Nam."
Tết cổ truyền của Việt Nam là một nét đẹp văn hóa thiêng liêng, gắn bó với mỗi người dân Việt Nam. Không chỉ vậy, đây còn chính là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau; góp phần tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam giàu văn hóa, thân thiện và hiếu khách.