Giữ mãi hồn Việt trong Tết Việt tại Nhật Bản

Bùi Hùng/VOV-Tokyo
Chia sẻ
(VOV5) - Hôm nay, nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đang tất bật chuẩn bị những chiếc bánh chưng-biểu hiện rõ nét nhất văn hóa Việt Nam trong ngày Tết.

(VOV5) - Ngày 27/1/2017 tức 30 Tết, trên khắp các con phố ở Tokyo, Nhật Bản cũng như các địa phương khác vẫn là ngày làm việc bình thường.


Đối với những người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Nhật Bản tuy vẫn phải theo nhịp sống đó, nhưng trong lòng mỗi người, suy nghĩ mỗi người đang hướng về quê hương nơi có mẹ có cha, có anh chị em đang chuẩn bị mâm cơm chiều cuối năm, dâng cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới nhiều may mắn.

Bâng khuâng, nhớ nhung và có cả những giọt nước mắt, những tiếng thở dài. Nhưng mỗi người đều có mục đích riêng, gác lại những cảm xúc tưởng chừng như vỡ òa, lao vào công việc hay những trang vở với kiến thức của tương lai. Và có rất nhiều người đang tất bật chuẩn bị những nguyên liệu để có thể gói những chiếc bánh chưng-biểu hiện rõ nét nhất văn hóa Việt Nam trong ngày Tết.

Có lẽ đối với mọi người trong nước, do cuộc sống hiện đại nên sự hiện diện của chiếc bánh chưng phần nào không mấy hứng khởi nữa, nhưng đối với những người xa quê, nó lại là một phần tinh thần, sự chắt chiu tình cảm đối với quê nhà. 

giu mai hon viet trong tet viet tai nhat ban hinh 1
Nguyên liệu chuẩn bị gói bánh chưng do chị Hương chuẩn bị...


Chị Phạm Hương (40) lấy chồng người Nhật, nhưng đây là lần đầu tiên chị đón Tết Việt tại Nhật Bản sau khoảng 15 năm. Chị đã cố gắng gói những chiếc bánh chưng tuy không đẹp, không vuông vắn, nhưng thơm mùi nếp và nhân đỗ thịt. Chị bảo rằng mẹ chồng chị và chồng chị rất thích. Và họ đã yêu cầu chị Tết sang năm lại gói. Hạnh phúc ngày Tết tại Nhật Bản tuy giản đơn, nhưng rất ấm cúng.

giu mai hon viet trong tet viet tai nhat ban hinh 2
Bánh chưng thành phẩm...


Anh Nguyễn Lê Khoa, đến Nhật năm 1999 để học tập và làm việc. Trong suốt thời gian sinh sống ở Nhật đã 18 năm rồi anh chưa được đón cái Tết âm nào cùng gia đình. Nhiều năm trôi qua như vậy nhưng mỗi dịp Xuân về - Tết đến nỗi nhớ nhà nhớ quê hương luôn làm anh khắc khoải.

Năm 1999, anh sang Nhật Bản cũng như bao học sinh tư phí khác anh đã học trường Đại học Công nghiệp Nagoya, tốt nghiệp thạc sĩ năm 2007 và đi làm tại công ty Toyota-Công ty sản xuất ô-tô hàng đầu thế giới. Lúc anh vào công ty, thì chưa có nhiều người nước ngoài làm việc tại đây. Hiện anh đang kết hôn với một phụ nữ Nhật và có hai đưa con kháu khỉnh.

giu mai hon viet trong tet viet tai nhat ban hinh 3
Mâm cơm tất niên đã sẵn sàng


Do công việc vất vả và bận rộn, khiến anh không có thời gian về Việt Nam để đón Tết âm lịch trong suốt thời gian nới xứ người, khiến anh luôn mong nhớ và mong muốn được một lần về đón tết cùng gia đình. Tuy ở Nhật không đón Tết âm lịch, nhưng anh vẫn tụ tập cùng các gia đình việt nam ở đây nấu những món ăn truyền thống của Việt Nam. Vợ anh cũng là một người Nhật rất yêu văn hóa Việt.

Đặc biêt, vào mỗi dịp xuân anh cùng gia đình đều tham gia các sự kiện mừng Xuân mới do Hội kiều bào tổ chức. Anh luôn tạo điều kiện cho các con của mình học tiếng Việt và học hỏi thêm nhiều văn hóa của Việt Nam để các con không quên nguồn cuội.


giu mai hon viet trong tet viet tai nhat ban hinh 4

Nhà sư Thích Tâm Trí, chùa Nisshinkutsu tại Tokyo, Nhật Bản đang
cho chữ ngày Xuân


Mỗi con người Việt Nam đang sống nơi phương xa đều vì lý do nào đó trong cuộc sống đã không thể đón Tết cổ truyền nơi quê Mẹ. Nhưng hơn ai hết, họ là những con người luôn hướng về Quê hương, Tổ quốc, đều mong muốn được góp phần xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu