Đầu năm đi lễ chùa

Dương Quang Minh
Chia sẻ
(VOV5) - Lời dạy của nhà chùa “Dùng thìa để ăn, dùng đũa để gắp” đâu chỉ khuyên giữ vệ sinh, mà mang ý nghĩa lớn lao:“Chớ phí phạm lương thực thực phẩm”. Tôi nhớ đến Bác Hồ. Bác từng là thực khách hoặc chiêu đãi thực khách theo kiểu văn minh nhà chùa.

(VOV5) - Lời dạy của nhà chùa “Dùng thìa để ăn, dùng đũa để gắp” đâu chỉ khuyên giữ vệ sinh, mà mang ý nghĩa lớn lao:“Chớ phí phạm lương thực thực phẩm”. Tôi nhớ đến Bác Hồ. Bác từng là thực khách hoặc chiêu đãi thực khách theo kiểu văn minh nhà chùa.



Đầu năm đi lễ chùa - ảnh 1


Tối cuối năm vừa qua, vợ tôi dặn: “Sáng mai Mồng Một, anh đưa em sang Thiền viện Sùng Phúc, bên Gia Lâm, Hà Nội”. Tôi tuân thủ, dậy sớm, thắp hương lên bàn thờ, lấy xe máy chở vợ vượt cầu sông Hồng. Đúng 8 giờ, chúng tôi đã thấy cả ngàn Phật tử đông kín Phật đường, hướng ra hành lang, chắp tay kính cẩn chào đón 10 vị Chư Tăng bước vào buổi lễ “Câu an đầu năm”. 8 giờ 10, theo tiếng chuông ngân và lời đọc kinh mở màn của Thuợng tọa chủ trì, Phật tử cất tiếng hòa theo. Do lần đầu đến chiêm bái Thiền viện, tôi chỉ biết nhìn vợ và liếc nhìn mọi người để làm theo mọi động tác hành lễ. Trong đó có nhiều lần chắp tay khấn Phật, đứng lên, quì xuống. Dù sao, linh tính cũng đã mách bảo tôi nội dung buổi lễ, khi tôi đọc được đôi câu đối ở cửa Phật đường: “Thuyền bát nhã vớt người chìm bể khổ / Đuốc từ bi cứu kẻ lạc rừng mê”, cùng khổ thơ: “Đệ tử chúng con một lòng thành / Nguyện cho đất nước mãi thanh bình / Dứt sạch đao binh với gian tà / Huynh đệ bên nhau con một nhà”.

Lễ Cầu an kết thúc, vợ tôi dặn: “10 giờ có buổi giảng đạo, ta ở lại dự”. Vốn đam mê tiết mục này, tôi đồng tình ngay. Mở đầu, Thượng tọa chủ trì cho biết chủ đề buổi giảng là “Tìm Xuân” và hỏi: “Ta tìm Xuân ở đâu? Phật tử nào có thể trả lời?”. Nghe vậy, tôi cứ muốn đứng lên thưa: “Ta tìm xuân trong lòng mình”. Nhưng, do chưa hiểu khuôn phép nhà chùa, lại sợ có thể bị ai đó cho là “chơi trội”, tôi không dám. Tiếp đến, Thượng tọa nói về Phật pháp, thời cuộc, lẽ sống, và khép lại bằng câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tôi mừng quá, bởi như vậy là suy tư của mình đúng với ý của Thượng tọa “Tìm xuân ở trong lòng”.

Sau buổi giảng đạo, vợ tôi bảo: “Chúng ta chưa về vội, ở lại hưởng bữa cơm chùa đầu năm”. 11 giờ 30, bước vào nhà ăn, tôi thấy có đến  500 Phật tử ngồi kín trên chục dãy bàn, mỗi dãy trên mười mâm cơm, mỗi mâm bốn người. Tất cả im lặng đến kinh ngạc, đúng như lời vợ tôi nói trước đó: “Phật tử vào nhà ăn giữ trật tự hơn cả học sinh đang trong giờ thi”. Ân tượng lạ đầu tiên ở Thiền viện đến với tôi bằng cảnh ấy. 


Đầu năm đi lễ chùa - ảnh 2


Tiếp theo, Phật tử xới cơm vào bát, đặt sẵn trước mặt. Tôi đã quá đói, liền có lời mời: “Nào, chúng ta bắt đầu”. Vợ tôi ra hiệu: “Chưa”. Phút sau, có tiếng chuông ngân, tôi giục: “Kẻng rồi, chúng ta ăn thôi”. Phật tử ngồi cạnh nhắc nhẹ: “Chờ”. Liền đó, một Đại đức lên tiếng đọc kinh, tất cả Phật tử đồng thanh đọc theo và hai lần cùng nâng bát cơm ngang mày. Nghe có mấy từ “nông phu”, “xứng đáng”, “cần kiệm”, “biết ơn”... Tôi hiểu ra,  Đại đức đang căn dặn Phật tử cần nhớ những gì trước khi ăn. Đây là ấn tượng lạ thứ hai của tôi ở Thiền viện. Tiếp nữa, qua micro Đại đức nhắc: “Mỗi Phật tử đã có thìa và đũa riêng ở mâm. Nhớ dùng thìa để ăn, dùng đũa để gắp”. Cả 500 phật tử thuân thủ. Thế là Ấn tượng lạ thứ ba đến với tôi. 

Trong bữa cơm, tôi nghĩ miên man về lẽ sống và nhớ thống kê của Liên Hợp Quốc: “Cả thế giới hiện có tới 1 tỉ người đói. Đối diện, chỉ riêng Âu - Mỹ, mỗi năm đổ đi tới 150 triệu tấn thực phẩm ăn thừa. Số thực phẩm đổ đi ấy đủ để nuôi số người bị đói”. Lời dạy của nhà chùa “Dùng thìa để ăn, dùng đũa để gắp” đâu chỉ khuyên giữ vệ sinh, mà mang ý nghĩa lớn lao:“Chớ phí phạm lương thực thực phẩm”. Tôi nhớ đến Bác Hồ. Bác từng là thực khách hoặc chiêu đãi thực khách theo kiểu văn minh nhà chùa.

                                                      Đêm Vọng – Hà Nội, Xuân 2016

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu