Xây dựng điện ảnh Việt Nam hiện đại, hội nhập

Thái Bình /VOV Miền Trung
Chia sẻ
(VOV5) - Các nhà làm phim, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp xây dựng công nghiệp điện ảnh hiện đại, hội nhập.

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc và uy tín ở châu Á, có tác phẩm chất lượng cao, tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới. Điều này cũng phù hợp và đúng định hướng với những nội dung và giá trị mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt ra với những nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học và đại chúng.

Các nhà làm phim, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh nhìn lại chặng đường của điện ảnh Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất và đưa ra nhiều giải pháp xây dựng công nghiệp điện ảnh hiện đại, hội nhập.

Xây dựng điện ảnh Việt Nam hiện đại, hội nhập - ảnh 1Các nghệ sĩ điện ảnh thăm, động viên, giao lưu trẻ em Làng SOS Nha Trang - Ảnh: Thái Bình

Các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh nhận định rằng, nền điện ảnh Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất đã trải qua nửa thế kỷ phát triển với nhiều thành tựu, song cũng tồn tại những hạn chế cần được khắc phục. Sự phát triển của điện ảnh Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay có thể chia thành 4 giai đoạn phát triển: từ 1975-1986 là thời kỳ hậu chiến; 1986-2002 là thời kỳ đổi mới; 2002-2020 là thời kỳ kinh tế thị trường và từ 2020 đến nay là giai đoạn hội nhập toàn cầu.

Phó Giáo sư -Tiến sĩ Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh nhận định, để điện ảnh Việt Nam có bước phát triển đột phá, cần khai thác thế mạnh văn hóa dân tộc. "Phim truyện của Việt Nam 50 năm qua, kết hợp hài hòa các dòng điện ảnh: sử thi, điện ảnh thơ, điện ảnh đấu tranh. Kết hợp 3 tính chất: tính chiến đấu, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc rõ rệt. Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao tầm tư tưởng trong phản ánh hiện thực, gợi mở trong sáng tác, tạo cái mới gắn liền phát triển tư tưởng. Bởi vì, phát triển tư tưởng trong các nhà làm phim đồng nghĩa với phát triển tư tưởng của khán giả".

Qua nhiều giai đoạn, điện ảnh Việt Nam ngày càng hướng về nhân vật trung tâm là người dân lao động, làm những công việc bình thường trong cuộc sống. Những mâu thuẫn, tâm tư đời sống hàng ngày của con người Việt Nam được đưa lên màn ảnh nhiều hơn. Các thể loại phim cũng đa dạng hơn: phim kinh dị, phim phiêu lưu mạo hiểm... Trong cách kể chuyện, các câu chuyện thể hiện của mình đã có bước đổi mới ngoạn mục và càng ngày càng tiệm cận với điện ảnh thế giới.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thành Vinh, đạo diễn phim "Hai Muối" cho biết, là những người sinh ra sau năm 1975, các đạo diễn thế hệ sau luôn ý thức trong các bộ phim phải có hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, có giá trị bản địa, tôn vinh người lao động. Anh đã chọn nghề làm muối cực khổ, vất vả tại vùng Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, đi sâu vào đời sống để đặc tả tính chăm chỉ, yêu thương trong gia đình, đó là vị mặn của vùng đất, làm nên vị ngọt của tình người.

 "Tôi thể hiện một cách dung dị những điều vốn dĩ là con người Việt Nam, đó là mộc mạc, chân thành, tình yêu thương luôn có mặt khắp nơi, trong chiến tranh và hòa bình. Lòng bao dung của người Việt Nam rất lớn, ở đây là khắc họa hình ảnh người cha, bao dung với con mình, bao dung với cả kẻ thù nữa. Đó là chiều dài của đất nước này, tiếp nối những thế hệ đi trước, mình ca ngợi vẻ đẹp của giai đoạn sau, giai đoạn hòa bình". - Đạo diễn Vũ Thành Vinh nói.

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang là rào cản lớn đối với điện ảnh Việt Nam hiện nay. Vì vậy, các đại biểu cho rằng cần đầu tư đào tạo chuyên sâu và đặc thù cho ngành điện ảnh, tạo ra đội ngũ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp này, phát triển ngành điện ảnh theo hướng hiện đại, mang tính dân tộc và nhân văn, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành, không chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng.

Nhà báo - nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn cho rằng những tài năng được đào tạo bài bản sẽ là động lực giúp điện ảnh Việt Nam thu hút được khán giả, đảm bảo tính nghệ thuật và hội nhập quốc tế: "Thu hút được khán giả, hấp dẫn được khán, kể được câu chuyện của khán giả nhưng đồng thời phải mang tính nghệ thuật. Thể hiện nghệ thuật không thể coi thường khán giả được vì khán giả ngày nay trình độ thưởng thức của họ đã rất cao. Chúng ta vừa đến được khán giả nhưng vừa nâng tầm thị hiếu lên. Làm sao hội nhập quốc tế là quan trọng vì có những phim có thể đạt giải nhưng không ra quốc tế được. Các nhà làm phim nên hài hòa nhưng rất khó".

Hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất 50 năm - Một chặng đường" trong khuôn khổ giải thưởng Điện ảnh Cánh diều vàng được tổ chức tuần trước tại Hà Nội, là hoạt động có ý nghĩa của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Đây là Hội thảo chuyên ngành đầu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, trong đó có điện ảnh - một lĩnh vực quan trọng, có thể xem là mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.

Cùng các cơ chế, chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim, ngành điện ảnh vẫn luôn mong muốn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim nhà nước đặt hàng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu