Văn học sinh thái: Chờ đợi những mùa xanh

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Văn học sinh thái trước hết phải là văn học đã. Nó phải là một diễn ngôn nghệ thuật về sinh thái." 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

Trong những tạp chí văn nghệ trước, quý vị đã có cơ hội lắng nghe tiếng nói của một số tác giả viết về đề tài sinh thái ở Việt Nam, để có một cái nhìn khái quát về những tín hiệu của văn học sinh thái – dẫu chưa thực sự rõ nét nhưng vẫn là một điều đáng mừng. Đứng trước những vấn đề về môi trường nhiều thách thức như hiện nay, đã đến lúc văn chương cần phải thực hiện chức năng xã hội của mình. Đó là cất lên tiếng nói đánh động ý thức và thay đổi quan niệm về sinh thái, đề cân bằng và bảo vệ môi trường của chính chúng ta. Vậy văn học sinh thái có tiềm năng như thế nào ở Việt Nam?
Văn học sinh thái: Chờ đợi những mùa xanh  - ảnh 1Một số tác phẩm văn học, phê bình văn học sinh thái - Ảnh: Báo Hà Nội mới

Môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, để thực sự có một dòng văn học sinh thái ở nước ta không phải là câu chuyện chỉ mong muốn là được, cũng không đơn thuần là việc tập hợp các số liệu, đưa các tin bài mà còn cần các yếu tố nghệ thuật, cảm xúc, thẩm mỹ.

Nói như nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, không phải cứ tuyên ngôn viết về sinh thái là sẽ có tác phẩm hay về đề tài này: “Việt Nam là một đất nước đang phát triển, cũng là một đất nước có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh. Điều đó cũng rất tốt. Thế nhưng, cùng với đó, môi trường ở Việt Nam cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm: thiên tai, bão lụt, rồi cháy rừng, và rất nhiều bất cập về vấn đề xây dựng đô thị và việc bảo tồn các giá trị tự nhiên, đời sống tự nhiên. Chính vì thế, tôi cho rằng tiềm năng viết về sinh thái ở Việt Nam đang rất lớn. Tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi lại nhà văn. Đó là văn học sinh thái trước hết là văn học đã. Nó phải là một diễn ngôn nghệ thuật về sinh thái. Và vì thế, viết về sinh thái là một cấp độ. Nhưng viết về sinh thái cho hay, cho ra một tác phẩm về sinh thái lại là một đòi hỏi khác. Với chất liệu như thế, với những đòi hỏi cấp thiết của đời sống, của môi trường, của văn chương như thế thì trách nhiệm của nhà văn rất quan trọng. Cùng với đó là tài năng của nhà văn nữa. Tôi hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những tác phẩm, tác giả đặt ra vấn đề sinh thái này một cách ráo riết hơn và thực hành viết về nó trong một tư duy môi trường, tư duy nghệ thuật thực sự hướng đến những giá trị cốt lõi nhất của tự nhiên và của nghệ thuật.”

Văn học sinh thái: Chờ đợi những mùa xanh  - ảnh 2TS Nguyễn Thị Tịnh Thy - Nguồn: Người làm báo Hưng Yên

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy, một trong những nhà phê bình có nhiều nghiên cứu về phê bình sinh thái cho rằng các nhà văn lớn ở nước ta chỉ coi sinh thái là một khía cạnh trong sáng tác, trong khi các tác giả quan tâm tới sinh thái lại chưa cho ra đời một tác phẩm thực sự xuất sắc.

Tuy nhiên, tác giả của “Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương” vẫn rất lạc quan khi bàn về tiềm năng của văn học sinh thái ở Việt Nam: “Tôi nhận thấy văn học Việt Nam có tiềm năng về đề tài lẫn người sáng tác đối với vấn đề văn học sinh thái này. Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Nguy cơ sinh thái, ô nhiễm môi trường, tàn phá môi trường… những vấn nạn ấy đang được các phương tiện truyền thông đề cập mỗi ngày. Cùng với đó là hệ quả của sinh thái hậu thuộc địa, môi trường hậu chiến tranh cũng đang đẩy xã hội vào quỹ đạo của phát triển không bền vững. Đó là những mảng đề tài rất lớn để các tác giả có thể sáng tác. Tiềm năng thứ hai là tiềm năng về con người. Chúng ta có một đội ngũ nhà văn đông đảo. Mỗi thế hệ đều có những ưu thế riêng. Và nếu như các nhà văn lưu tâm đến vấn đề sinh thái và họ sáng tạo thực sự thì họ có thể sáng tác ra những tác phẩm hay về văn học sinh thái.”

Từ những năm 1980 tới những năm 1990, trong các tác phẩm như “Một lần đối chứng”, “Phiên chợ Giát”…, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho thấy sự xoay chuyển điểm nhìn từ con người là trung tâm sang tư tưởng sinh thái là trung tâm. Sau ông, văn chương Việt cũng đã có những tác phẩm đề cập đến biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn như “Sông” của Nguyễn Ngọc Tư; con người tận diệt thiên nhiên như “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” của Nguyễn Trí, “Con gấu già trong thung lũng Trại Xai” của Hoa Ngõ Hạnh… Xuất hiện thấp thoáng nhưng ít nhiều để lại dấu ấn, văn học về đề tài sinh thái vẫn còn nhiều khoảng trống để các tác giả dấn thân và trải nghiệm.

Văn học sinh thái: Chờ đợi những mùa xanh  - ảnh 3TS Đào Lê Na - Ảnh: phunuonline

TS. Đào Lê Na, tác giả cuốn tiểu thuyết nữ quyền sinh thái “Tự sự của hạt mưa”, nhận định: “Trong những năm gần đây mình cũng biết là trong văn học Việt Nam, các tác phẩm về nữ quyền và các tác phẩm về sinh thái cũng được các tác giả chú ý rất nhiều.

Điều này không chỉ riêng trong văn học và điện ảnh Việt Nam mà cũng là xu thế nói chung của văn chương thế giới.

Viết về các vấn đề liên quan đến sinh thái, liên quan đến giới, đến cộng đồng thiểu số thì còn rất nhiều mảng, nhiều vấn đề có thể khai thác được.”

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, những năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang đe dọa cuộc sống của nhân loại, khủng hoảng môi trường sinh thái cũng ngày càng nghiêm trọng, buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về sự tồn vong của chính mình. Và văn học không nằm ngoài những trăn trở đó: “Tôi nghĩ ứng xử với thiên nhiên là nghe tiếng nói của thiên nhiên chưa bao giờ là muộn. Chúng ta không thể đợi thiên nhiên nổi giận rồi mới hành động. Tôi mong muốn qua những bàn thảo giữa chúng ta thì việc chúng ta lắng nghe thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và ứng xử một cách hài hòa với thiên nhiên đấy là trách nhiệm và lương tri của con người. Trong thời đại ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, sự suy thoái về không khí sẽ hủy hoại chúng ta với ổ sinh thái mà chúng ta đang tồn tại. Nó trở thành một nguy cơ rất cấp thiết, đòi hỏi chúng ta, kể cả văn học, buộc phải vào cuộc.

Đồng hành với các tác giả, các nhà phê bình, các đơn vị xuất bản cũng đã chú trọng hơn tới mảng sách về đề tài môi trường, trong đó có sách văn học. Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch - Bản quyền Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam chia sẻ: “Xu hướng xuất bản sách về bảo vệ môi trường là xu hướng chung của thế giới. Ở Việt Nam thì dòng sách này cũng chưa có nhiều. Ý nguyện của Nhã Nam khi xuất bản cả một dòng sách về môi trường như vậy là muốn góp một phần nâng cao ý thức về môi trường cho thế hệ trẻ. Từ đó, sẽ đóng góp thêm cho việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam.” Bà Võ Thiên Hương, đại diện NXB Kim Đồng, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nhà xuất bản Kim Đồng có rất nhiều cuốn sách về môi trường dành cho các bạn thiếu nhi đến tuổi teen và người lớn. Mỗi cuốn sách sẽ có cách truyền tải thông tin hữu ích đến bạn đọc.”

Văn học sinh thái: Chờ đợi những mùa xanh  - ảnh 4Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng ban Văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - Ảnh: vanhocsaigon.

Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết Hội sẽ có sự quan tâm nhất định tới các sáng tác về đề tài sinh thái:  “Tôi nghĩ rằng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có sự quan tâm thích đáng. Chúng ta không chỉ quan tâm tới các tác giả viết những câu chuyện liên quan tới môi trường đâu mà chúng ta phải đặt ra vấn đề cực kỳ nghiêm túc về thể loại, cách sáng tác, cách tiếp cận, cách xuất bản và cách thức quảng bá những tác phẩm ấy như thế nào để đến được với công chúng một cách toàn diện, thu hút được sự quan tâm và làm thay đổi nhận thức của xã hội thông qua những cuốn sách đó về vấn đề môi trường. Thứ hai, chúng ta sẽ phải có những cuộc trao đổi về nghiệp vụ, về giá trị nghệ thuật của những tác phẩm ấy để nó không chỉ là một cuốn sách sáng tạo thông thường mà còn trở thành tiếng nói trách nhiệm sâu sắc và truyền cảm về vấn đề môi trường. Chỉ có thế chúng ta mới hướng tới một xã hội xanh, lành mạnh, nơi con người có thể an tâm đứng dưới ánh mặt trời, nơi chúng ta có thể tin cậy là những thế hệ tương lai của chúng ta được sống trong một môi trường khỏe mạnh và có thể phát triển được.”

GS. Huỳnh Như Phương từng nói: “Trong cuộc đấu tranh vì môi trường sống hòa hợp với con người, văn học đã làm được gì? Phải chăng văn học vẫn còn bàng quan với chuyện sống còn này? Hình như văn học cho đây là một đề tài tầm thường hay ít ra chưa phải là ưu tiên số một so với những vấn đề cao siêu đáng dể tâm hơn nhiều?”. Cho đến nay, đã có một vài lời đáp cho câu hỏi này. Chắc chắn, sinh thái không phải là “một đề tài tầm thường” nhưng để sinh thái trở thành ưu tiên số một, ít nhất trong lĩnh vực văn chương, cần tới sự chung tay của toàn xã hội. Và để có những mùa xanh, đã đến lúc chúng ta trồng cây, trồng người và tiếp tục gieo mầm cho văn học sinh thái.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu