Triển lãm “Cảm xúc” – nơi sáng tạo nghệ thuật không có tuổi

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Triển lãm tranh “Cảm xúc” của Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình vừa với hơn 50 tác phẩm, đã đem đến vẻ đẹp tươi sáng, bình dị của cuộc sống đời thường. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Là một người Hà Nội gốc, nhưng Tiến sĩ- Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình công tác tại Viện quy hoạch nên ông có nhiều khoảng thời gian gắn bó với khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam. Ông thường hay quan sát, vẽ ký họa và chụp ảnh làm tư liệu để rồi những lúc rảnh rỗi lấy đó làm nền tảng cho những tác phẩm hội họa sau này của mình.

Triển lãm “Cảm xúc” – nơi sáng tạo nghệ thuật không có tuổi - ảnh 1 Tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình trong buổi khai mạc triển lãm tranh "Cảm xúc" của mình

Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình kể lại: “Trong thời gian công tác, tôi rất hay đi về vùng nông thôn. Những vùng nông thôn gây cho tôi rất nhiều xúc cảm, đặc biệt là những quang cảnh đẹp của đất nước mình. Nhưng từ khi về hưu tôi mới có thời gian, mới tĩnh tâm để làm việc được, tĩnh tâm vẽ nhiều. Rất mừng là được các bạn bè, đồng nghiệp đến để xem tranh chia sẻ cùng tôi”.

Triển lãm “Cảm xúc” – nơi sáng tạo nghệ thuật không có tuổi - ảnh 2Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình cùng người thân và đồng nghiệp cũ trong buổi khai mạc triển lãm tranh

Quả thực, với cái tên “Cảm xúc” triển lãm đã để lại nhiều cảm xúc sâu sắc cho người xem. Hơn 50 tác phẩm được tác giả thể hiện chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu, phấn màu, thuốc nước và chì. Dù ở đề tài tranh phong cảnh, tĩnh vật, tranh chân dung, tự họa… tác giả dường như đã gửi gắm toàn bộ những tình cảm sâu lắng, sự từng trải hiểu biết để tạo nên chiều sâu cho từng tác phẩm.

Họa sĩ Phạm Kim Bình, chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội bày tỏ: “Qua 50 tác phẩm của phòng tranh này, điều đầu tiên muốn nói đến là sự lao động hết mình của họa sĩ. Mặc dù những đề tài hết sức bình dị, có thể là chân dung, phong cảnh của miền quê, nhưng trong tác phẩm đó đã đưa vào những cảm xúc và nội tâm mà họa sĩ muốn đưa vào. Chính vì vậy mà những bức tranh này cho người xem sự rung động sâu sắc”.

Ở đề tài tranh phong cảnh, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình tìm tòi phát hiện ra những điều mới mẻ ở những nơi trước ông đã có nhiều người khai thác. Với bút pháp chân thực và dung dị, “Xuân về bản Vả Vang”, “Làng chài Mũi Né”, “Bé người Dao”… dường như thể hiện tình yêu thiên nhiên bất tận, cảm xúc thẩm mỹ dồi dào nơi người nghệ sĩ. Sử dụng những gam màu trung tính, tranh phong cảnh của Nguyễn Ngọc Bình đem lại cảm giác bình yên cho mỗi người xem.

Triển lãm “Cảm xúc” – nơi sáng tạo nghệ thuật không có tuổi - ảnh 3 Tranh phong cảnh làng quê bắc bộ là đề tài yêu thích của tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: “Lần này được xem triển lãm của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình, tôi nghĩ ông có vẻ đẹp riêng của tâm hồn mình, được thể hiện trên từng bức họa. Từng bức tranh phong cảnh thể hiện cái nhìn của ông, tình cảm ông dành cho thiên nhiên Việt Nam. Luôn cố gắng phát hiện nét đẹp mà trước ông có thể nhiều người khai thác nhưng đến ngòi bút của ông thì ông đã tìm ra cách để cất lên tiếng lòng của mình, trước vẻ đẹp thiên nhiên, từ phong cảnh miền núi đến những vẻ đẹp của miền Trung và tôi cho rằng đó là những bức phong cảnh thành công”.

Triển lãm “Cảm xúc” – nơi sáng tạo nghệ thuật không có tuổi - ảnh 4 Bức tranh "Thiếu nữ Hà Nội" được giới chuyên môn đánh giá cao

Nhưng có lẽ trọn vẹn nhất lại chính là loạt tranh chân dung những người thân yêu trong gia đình như vợ, các con, các cháu nội và cháu ngoại. Những nét tâm lý, trạng thái cảm xúc của những người thân được ông diễn tả lại hết sức tinh tế.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ thêm: “Bộ tranh chân dung dành cho những người thân của mình cũng là thành công của ông. Đây mới là dịp ông có thể thể hiện một cách tinh tế nhất tình cảm giấu kín trong lòng mình, đối với cha mẹ, vợ và các cháu. Và có lẽ bước vào phòng tranh này ai cũng có thể cảm nhận tiếng nói của lòng ông trên từng bức họa. Phong cảnh tâm hồn  của ông chính là phong cảnh tâm hồn người khác. Đây có lẽ là điều mà mỗi người vẽ đều ước ao, đó là tiếng lòng của mình chia sẻ được với người khác”.  

Triển lãm “Cảm xúc” – nơi sáng tạo nghệ thuật không có tuổi - ảnh 5 Loạt tranh chân dung tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình vẽ lại những người thân trong gia đình

Vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ còn thể hiện qua những mong ước của ông đối với xã hội. Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình tâm sự: “Tôi có hai cô cháu, lập một quỹ thiện nguyện để xây trường cho các học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa. Tôi cũng có mong ước là đóng góp vào đó nhiều, tôi muốn là sử dụng những bức tranh của tôi để các cháu đấu giá để lấy tiền đó làm thiện nguyện. Tôi rất vui là làm được điều đó”

Bắt đầu thực sự đến với hội họa khi đã về hưu, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình tâm sự có lẽ khởi sự thế này chưa bao giờ là muộn màng cả. Toàn bộ năng lượng của ông đã hiến trọn cho công việc kiến trúc, còn đam mê hội họa giống như một khoảng trời riêng để ông tìm về lúc tuổi xế chiều. Thế nhưng cái nhìn của ông về sự vật vẫn rất trong sáng, dung dị, trẻ trung và đó mới là yếu tố quan trọng để tạo nên những thành công tiếp theo của ông trong lĩnh vực hội họa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu