Trách nhiệm của ngòi bút

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Có những vấn đề, dù trong bất kì một bối cảnh nào, thời đại nào, vẫn luôn là “viên đá đỉnh vòm”, mang tính nền tảng đối với người cầm bút.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Trong một nhiệm kì mới của Hội Nhà văn Việt Nam, việc kì vọng vào những bước mới mẻ, đột phá là điều chắc chắc. Tuy nhiên, có những vấn đề, dù trong bất kì một bối cảnh nào, thời đại nào, vẫn luôn là “viên đá đỉnh vòm”, mang tính nền tảng đối với người cầm bút. Một trong số đó là trách nhiệm xã hội của nhà văn. Trong sự đa dạng của hình thức thể hiện, sự phong phú về đề tài, người viết sẽ lựa chọn viết như thế nào và viết cái gì để xây dựng những giá trị tốt Chân – Thiện - Mĩ cho dân tộc và đất nước.

Trách nhiệm của ngòi bút - ảnh 1Hội chợ sách - Ảnh: Đức Anh/Báo Nhân dân.

Nhắc đến văn học nước ta hiện nay, người ta có thể bàn tới rất nhiều câu chuyện. Số lượng các tác phẩm văn chương được in ấn và giới thiệu ngày một nhiều, nhưng lại thiếu những gương mặt ấn tượng, sắc nét. Chưa kể, trong bối cảnh “trăm hoa đua nở”, không ít sáng tác của người viết cũng bị thị trường hóa, chạy theo cái Tôi vị kỉ và bản năng. Việc chưa có tác phẩm lớn cũng là chuyện khiến giới chuyên môn băn khoăn… Mỗi một câu chuyện đều có những lớp lang riêng, nhưng nhìn chung, có thể thấy, những băn khoăn này đều có điểm chung là xoay quanh trách nhiệm của người cầm bút.

Trong bối cảnh hội nhập, văn học nước nhà phát triển rất đa dạng: hình thức thể hiện phong phú hơn, biên độ về đề tài rộng rãi hơn, con đường in ấn xuất bản sách cũng dễ dàng hơn trước kia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người viết cũng đối diện với nhiều rào cản, thậm chí nhiều cám dỗ, khi lựa chọn viết cái gì và viết như thế nào giữa những luồng thông tin phức tạp, đa chiều.

Nhà văn Đào Bá Đoàn, Phó Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn khẳng định “trách nhiệm xã hội của nhà văn bao giờ cũng phải có” nhưng ở thời điểm hiện tại, điều này có phần đặc biệt hơn, nặng nề hơn: “Lúc này giá trị của xã hội và lí tưởng sống rất phức tạp. Phức tạp ở đây tôi muốn nói theo hướng là nó có nhiều chiều, nhiều cách nghĩ, nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Hơn ai hết, nhà văn, họ cần phải có một cách nhìn gọi là mang tính hướng thiện, hướng về cái cao cả, cái đẹp. Đấy là cái muôn đời của nhà văn phải làm, nhưng trong lúc xã hội có nhiều giá trị khác nhau, đặc biệt là người trẻ, người ta sinh ra và lớn lên, trưởng thành ở một giai đoạn khác thì điều đấy nhà văn càng phải chú ý cao.”

Chia sẻ quan điểm này, nhà thơ Nguyễn Thành Tâm cho rằng “trách nhiệm xã hội” còn là quyền lợi của người viết, và thơ của chị chưa bao giờ là sự thờ ơ. Là một giáo viên dạy Toán, chị quan tâm nhiều đến trẻ thơ và mong muốn gửi vào trang viết những thông điệp mang tính giáo dục: “Quan điểm văn chương của tôi là văn chương có nghĩa vụ và quyền lợi khắc họa thời chúng ta đang sống. Và những dòng viết đấy nó mang những đặc thù riêng nhưng nếu là văn chương thực sự thì nó phải có tính trung thực, có tính nhân hậu. Hiện nay xã hội bây giờ là xã hội hiện đại, nó có rất nhiều đạo lí bị va đập với xu hướng mới, quan điểm mới thì những đứa trẻ cũng bị tác động từ nhiều mặt. Cho nên, thơ thiếu nhi trong giai đoạn này, theo mình, là rất cần và thơ để dạy những đứa trẻ hư cũng rất cần.”

Trách nhiệm xã hội của người cầm bút, trước hết, được thể hiện qua trang viết: khắc họa thời đại chúng ta đang sống, tôn trọng những giá trị Chân – Thiện – Mĩ, cũng như nhìn nhận đúng đắn và phù hợp với những tư tưởng, quan điểm mới mẻ, đa chiều…

Trách nhiệm này có thể được thực hiện một cách trực tiếp hơn bằng cách dũng cảm lên tiếng về những vấn đề mà dư luận quan tâm, như quan điểm của nhà thơ Bùi Tuyết Mai, cây bút dân tộc Mường: “Tôi nhận thấy những đòi hỏi của xã hội bây giờ và đòi hỏi của nhân dân đối với nhà văn là có những tính chất, yêu cầu rất mới. Người dân cũng mong muốn trách nhiệm xã hội của nhà văn phải rõ ràng hơn. Và người ta cũng có quyền đòi hỏi nền tảng tinh thần của xã hội trở nên thiết thực hơn, cho nên đối với ngành giáo dục, người ta rất mong muốn tiếng nói của nhà văn đối với bộ sách giáo khoa. Nhà văn phải thể hiện được chính kiến của mình.”

“Gạn đục, khơi trong” là những gì người viết thường nhắc đến khi nói về nghề nghiệp của mình: phê phán cái xấu, cái ác, cái chưa hoàn thiện của xã hội và tìm ra điều tốt, điều hay. Tuy nhiên, văn chương không đơn thuần là tấm gương phản ánh hiện thực. Chính vì vậy, viết để phê phán hay ngợi ca đều cần tài năng của người nghệ sĩ.

Trách nhiệm của ngòi bút - ảnh 2Nhà văn Vũ Thảo Ngọc chụp ảnh cùng thợ mỏ. - Ảnh: Mạnh Hùng.

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, một tác giả viết bút kí có nhiều dấu ấn và từng gắn bó nhiều năm với đất mỏ Quảng Ninh, cho rằng viết cái tốt, điều hay cũng chưa bao giờ dễ dàng: “Với trào lưu xã hội như bây giờ, người ta đang luôn luôn nghĩ rằng nhà văn thường hay nói quá lên. Thế và với những tác phẩm bút kí mà phản ánh trực diện xã hội hiện nay thì có rất nhiều cái tốt, nhưng mà cái tốt đó đang bị chìm lấp trước nhiều cái xấu quá. Nhưng với nhiệm vụ của nhà văn thì làm thế nào đó, ngòi bút của mình vẫn phải lia vào cuộc sống để mình phản ánh trung thực nhất và chính xác nhất về những cái tốt hiện hữu trong cuộc sống.”

Mỗi người viết đều có những góc độ tiếp cận riêng. Và trách nhiệm của người viết cũng được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Có người gửi gắm một cách trực diện qua trang bút kí còn nóng hổi chất liệu hiện thực sau những chuyến đi thực tế như nhà văn Vũ Thảo Ngọc.

Có người lại mượn hình tượng văn học nghệ thuật, mượn câu chuyện quá khứ để bàn chuyện hiện tại như nhà văn Nguyễn Thế Quang, cây bút viết tiểu thuyết lịch sử của tỉnh Nghệ An: “Tôi quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử không phải là hoài cổ mà viết tiểu thuyết lịch sử là để nhằm khám phá bản chất của lịch sử, của thời đại đó. Nhưng mà khám phá điều đó là để đối thoại với thực tại, tìm ra được những điều để con người hiểu lịch sử hơn, hiểu mình hơn và để vươn tới những điều tốt đẹp hơn, sự tiến bộ hơn. Tôi chỉ muốn lưu ý một điều nổi bất nhất là kẻ sĩ phải chịu trách nhiệm trước hưng vong của đất nước. Cho nên trong lễ mừng thọ 70 tuổi, thì Nguyễn Công Trứ đã chỉ tay vào mặt các bạn của mình mà nói một câu nổi tiếng: “Non sông điên đảo, điêu linh thì kẻ sĩ sống mà làm gì?” thì đó chính là toàn bộ tư tưởng của tôi. Đó là trách nhiệm của kẻ sĩ đối với đất nước. Nói thật, tôi không thích những người mà ngày nay chỉ ngồi chê với chửi.”

Đối với những thế hệ nhà văn tiền bối như nhà văn Nguyễn Thế Quang, câu chuyện “kẻ sĩ và thời cuộc” (một câu chuyện ít nhiều gần gũi với trách nhiệm của người cầm bút) đã trở nên quen thuộc. Ngay cả khi băn khoăn về những chuyện chướng tai gai mắt, những người viết thuộc thế hệ đi trước dường như đã có sẵn một nếp nghĩ để “vin câu thơ mà đứng dậy”.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ, nhất là với những tác giả thơ, lại dễ sa đà vào sự miên man, thiên về lột tả, phơi bày tâm trạng hơn là đem đến cho tác phẩm một giá trị thực sự - cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Nhìn thoáng qua sáng tác của cây bút trẻ, chúng ta dễ thấy những đề tài cá nhân, vụn vặt hơn là những đề tài lớn lao...

Trách nhiệm của ngòi bút - ảnh 3Nhà thơ Đoàn Văn Mật - Ảnh: Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cho rằng muốn kích thích lực lượng trẻ sáng tác nhiều hơn về những vấn đề lớn của dân tộc thì ngoài ý thức trách nhiệm của người viết, “cần một sự quan tâm hơn nữa” của các bộ, ban ngành: “Viết về đề tài biên giới biển đảo thì hiện nay ngoài lực lượng các nhà văn đã từng tham gia vào chiến tranh, từng tham gia vào công cuộc bảo vệ biên giới biển đảo thì cũng có một lực lượng khá đông đảo các tác giả trẻ viết về biển đảo.

Tất nhiên là nói khá đông đảo thôi chứ về sức viết, hoặc lực lượng cũng chưa phải là nhiều. Muốn cho người trẻ quan tâm nhiều hơn tới đề tài biên giới, biển đảo thì không gì khác, ở đây là Hội Nhà văn, ở đây là Bộ Quốc phòng hoặc các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn những chuyến đi thực tế cho những người trẻ. Bởi vì mình thì ở trong quân đội, mình có điều kiện ra biển đảo, mình đi lên biên giới, nhưng đó là mình chứ không phải tất cả các tác giả đều có điều kiện như thế.”

Có thể thấy, trách nhiệm của ngòi bút không phải là câu chuyện của riêng ai. Người viết cần có tinh thần xây dựng xã hội, nhưng bản thân họ cùng cần tới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác như độc giả, nhà phê bình hay nói rộng hơn là sự quan tâm của xã hội. Điều này ít nhiều tạo ra một định hướng tốt cho trang viết và một bầu khí quyền trong lành cho người đọc, để văn chương không chỉ giải trí mà còn là chỗ dựa tinh thần, nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc.  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu