Theo dòng chảy Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023

Chia sẻ
(VOV5) - Sau tuần lễ hội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đầu tư, trang trí các nhà ga Hà Nội, ga Long Biên để trở thành điểm tham quan, nâng cao giá trị văn hóa lịch sử.
Với chủ đề "Dòng chảy, lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (tổ chức từ 17-26/11 tại 17 quận, huyện của thành phố) được kỳ vọng sẽ đánh thức nhiều di sản kiến trúc của Thủ đô dọc theo hai bờ sông Hồng, bằng cách tổ chức triển lãm, trình diễn nghệ thuật-thời trang, tọa đàm, hội thảo về phát triển văn hóa.
Nghe âm thanh tại đây:
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết năm nay lễ hội với chủ đề Dòng chảy tập trung vào 3 trụ cột thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Các sự kiện nhằm phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô; khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo và kết nối các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật...

Diễn ra trên 60 sự kiện, các chương trình trong  Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức tại các địa điểm gồm: bốt Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Ga Long Biên... Ngoài ra, một số sự kiện khác diễn ra tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Hoài Đức...

Theo dòng chảy Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - ảnh 1Một trong những không gian sắp đặt sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. - Ảnh: Hương Uyên/vtv.vn

Nhà máy xe lửa Gia Lâm là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức nhiều triển lãm thiết kế sáng tạo, đánh thức các nhà máy, kho xưởng đang "say ngủ". Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa cho khách tham quan. Nơi đây trưng bày Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu với nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống âm thanh của nước.

KTS Quốc Đạt, giám đốc sáng tạo Thinkplay grounds cho biết: “Trên thế giới rất nhiều thành phố đang tận dụng lạ các di sản công nghiệp để biến những nơi từng là biểu tượng của thời kỳ công nghiệp đã qua; và  sáng tạo – là công nghiệp sáng tạo, đã bước qua một giai đoạn khác, nó môi trường hơn.”

Show thời trang "Vân Long Lưu Vũ" phỏng dựng lại tiến trình biến đổi của cổ phục trong giai đoạn 1900 – 1950 đã thu hút nhiều khán giả trẻ khi diễn ra vào sáng 18/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Phân xưởng Nóng 1B, Hà Nội. Đây cũng là chương trình nghệ thuật liên ngành đưa đến những điều đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức. Đặc biệt, các thiết kế trong bộ sưu tập thời trang cao cấp được trình diễn có tính ứng dụng gắn liền với hình ảnh Rồng trong lịch sử Việt Nam. Sự tái hiện lịch sử thông qua 15 bộ trang phục được biểu diễn tại show diễn đã thể hiện tiến trình phát triển của các thời kỳ lịch sử với những biến đổi trong suốt 50 năm (1900 – 1950) của trang phục Việt Nam.

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023, chuyến tàu Hành trình di sản đưa người dân từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm thưởng thức nghệ thuật. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác tuyến tàu “Hành trình di sản” dành riêng cho du khách tham gia trải nghiệm Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 để phục vụ người dân và du khách từ tối 17/11.Theo lịch trình được công bố, đoàn tàu khởi hành từ ga Hà Nội, đi qua ga Long Biên đến ga Gia Lâm với tổng thời gian di chuyển khoảng 22 phút. Đây là lần đầu tiên Hà Nội có tuyến tàu phục vụ khách trải nghiệm khám phá các điểm tham quan lịch sử trong nội đô.

Đoàn tàu "Hành trình di sản" có 7 toa, trong đó có 5 toa chở khách (khoảng 280 chỗ ngồi) và 2 toa để phục vụ triển lãm nghệ thuật. Các toa chở khách được bố trí ghế ngồi mềm và hệ thống điều hòa không khí. Bên cạnh đó là 02 toa được thiết kế riêng, trang trí nghệ thuật hoặc có các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách trải nghiệm.Ngoài ra, trên 2 toa đặc biệt của chuyến tàu nghệ thuật này, hành khách cũng sẽ được thưởng lãm các tác phẩm nằm trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2” do Không gian nghệ thuật Heritage Space giới thiệu. Những tác phẩm được gắn cố định trên ô cửa kính của đoàn tàu.

Chuyến tàu gợi nhắc hoài niệm khi đưa hành khách qua các nhà ga có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử đường sắt Việt Nam. Ga Hà Nội, ga Long Biên, ga Gia Lâm đã chứng kiến những đổi thay của các giai đoạn lịch sử, lưu giữ những ký ức và phản ánh một phần lịch sử hình thành và phát triển Hà Nội.Điểm cuối của chuyến hành trình là nhà ga xe lửa Gia Lâm. Tại đây, du khách có thể đi bộ đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động tại Lễ hội.
Theo dòng chảy Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 - ảnh 2Không gian phân xưởng được sắp đặt ánh sáng, trở thành một không gian sáng tạo. - Ảnh: Hương Uyên/vtv.vn

Ông Đặng Sĩ Mạnh Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay chuyến tàu được dành riêng phục vụ du khách dịp lễ hội, đi qua 3 nhà ga lịch sử nhằm giúp người dân hiểu thêm về các di sản của ngành: “Chúng tôi đang muốn khai thác những công trình kiến trúc, là những di sản vừa hội tụ được hình, lý và khí trong kiến trúc. Đây là những di sản sống, đang hoạt động. Chúng tôi muốn gửi thông điệp cũng như quảng bá đến mọi người rằng ngành đường sắt có những công trình rất quý giá, một truyền thống lịch sử rất vẻ vang và một quá khứ rất hào hùng. Chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp qua những Lễ hội như thế này để người ta thấy một ngành đường sắt rất cởi mở.”

Sau 10 ngày tổ chức lễ hội, Sở Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ đề xuất thành phố có cơ chế giữ gìn các tài sản công có giá trị văn hóa, thu hút du khách tham quan như tháp nước Hàng Đậu. Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Sau tuần lễ hội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đầu tư, trang trí các nhà ga Hà Nội, ga Long Biên để trở thành điểm tham quan, nâng cao giá trị văn hóa lịch sử.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu