Nhân Ngày sách Việt Nam 21/4, các nhà xuất bản đã tổ chức nhiều sự kiện ra mắt những cuốn sách đáng chú ý của mình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số đó, không thể không nhắc tới sự kiện mở màn của NXB Kim Đồng, giới thiệu hai cuốn sách Thăng Long - Kinh Kì - Kẻ Chợ.
Cuốn 1: Thời Lê - Trịnh và cuốn 2: Thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, của hai tác giả Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng. (Tác giả Nguyễn Huy Thắng là con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng)
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong buổi ra mắt sách, tiếng hát ả đào/ca trù do ca nương Vũ Thùy Linh biểu diễn, đã tái hiện lại một không gian Thăng Long xưa với những bài hát nói và ca trù kinh điển.
|
Viết về Thăng Long, Hà Nội vốn là đề tài quen thuộc, được khai thác qua nhiều tác phẩm và ở nhiều thể loại khác nhau. Với riêng Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng điểm đặc biệt ở chỗ không chỉ dừng lại ở những nội dung biên soạn, tổng hợp các nguồn tư liệu về Thăng Long, Hà Nội xưa. Các tác giả đã vận dụng tài tình nhiều điểm nhìn để soi chiếu một khía cạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội: “chất Kinh kì” và “chất Kẻ Chợ” song hành, hội tụ ở đất và người Hà Nội.
Biên tập viên Hoàng Thanh Thủy cho biết: “Tác giả Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Quốc Tín đều là cộng tác viên thân thiết của NXB Kim Đồng. Đặc biệt tác giả Nguyễn Huy Thắng còn nguyên là Tổng biên tập của NXB Kim Đồng. Tôi phải cảm ơn hai tác giả rất nhiều vì nhờ đọc của các ông mà tôi đã được bổ trợ rất nhiều về kiến thức lịch sử. Hai cuốn sách này là sách về lịch sử, văn hóa, đời sống của Hà Nội kinh kỳ. Đối với cuốn sách này tôi cảm nhận được tình yêu ở rất nhiều góc độ, không chỉ là tình yêu với Hà Nội mà còn là tình phụ tử, ở đây là những bước tiếp nối rất đẹp đẽ của tác giả Nguyễn Huy Thắng theo bước chân của cha mình để bồi đắp thêm tình yêu đối với môn lịch sử và tình yêu đối với Hà Nội”.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý ngạc nhiên vì độ tươi trẻ trong hai cuốn sách. |
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, “Cuốn sách tương đối dễ chịu, cầm trên tay có độ dày vừa phải, không phải những cuốn khảo cứu nghiêm cẩn nữa. Nhưng tôi có một băn khoăn, những cuốn khảo cứu lịch sử hay đi vào các vấn đề tổng quan thì đều có rất nhiều sách rồi. Hai cuốn sách mới này khai thác gì đây? Liệu có đi vào vết xe cũ không? Đề tài Hà Nội rất hấp dẫn mà cũng rất thách thức là như vậy. Hai cuốn sách thật ra không làm tôi thất vọng. Vì nó có độ rất thoải mái. Tôi ngạc nhiên vì độ tươi trẻ của cuốn sách."
"Hai cuốn sách không chỉ đơn giản kể lại tuần tự các câu chuyện trong chính sử và các mảnh ghi chép về vùng đất đã có nhiều khảo cứu này. Độ 150 trang mỗi cuốn, khoảng 20 phân mục mang những cái tên khá hấp dẫn như: Đông Kinh những năm bình yên ngắn ngủi, Vạn Lại đối địch Đông Kinh, Làm vua là... làm vì, Theo ca dao đi dạo phố, 1805: một năm đáng nhớ với Thăng Long, Chùa Báo Ân - ngôi chùa đoản mệnh... Mỗi phân mục vừa giải quyết nội dung của mạch thời gian, vừa khai thác kỹ một vài nhân vật, công trình hay sự kiện hoặc vấn đề lịch sử, có thứ đã quen thuộc, có thứ lạ lẫm.
Chẳng hạn mỗi phân mục có một bảng câu chuyện riêng, giống như các lời bàn của sử gia ngày trước, song mang tính thông tấn cao như các "box" cạnh các bài báo lớn: Những ông vua "ngoan" (tức là vua chắp tay bị chúa Trịnh giật dây), Tào Tháo nước Nam, Kẻ Chợ đã từng có Chinatown, Nhà giàu tậu... ruộng. Những bài nhỏ này luôn có những nhận xét khá thú vị, chẳng hạn "Nhà giàu tậu... ruộng": "Tuy nhiên, khác với các nước phương Tây, khi tạo ra được vốn lớn (gọi là "tích lũy tiền tư bản"), người ta mở rộng sản xuất, đầu tư từng bước, đi từ xưởng sản xuất đến nhà máy để phát triển thành những nhà tư sản công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển xã hội; thì ở Đàng Ngoài, do hạn chế bởi tư tưởng Nho giáo và chế độ phong kiến, khi đã giàu có rồi, họ lại chỉ mang tiền về tậu ruộng, phát canh thu tô, bóc lột nông dân theo kiểu cũ". - Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét.
Anh Nguyễn Huy Thắng, một trong hai tác giả biên soạn cuốn sách cho biết: “Tôi rất vui được cùng nhà khoa học Nguyễn Quốc Tín biên soạn bộ sách Thăng Long – Kinh Kỳ - Kẻ Chợ, dù mới chỉ là hai tập đầu trong bộ sách dự kiến là sẽ gồm 3 tập. Tôi cũng rất vui khi bộ sách mới ra đã nhận được những hiệu ứng ban đầu rất hào hứng của bạn đọc. Chúng tôi muốn coi bộ sách là sự tri ân với thành phố thân yêu của mình, là sự tri ân với những bậc tiền nhân, là những người đã giúp chúng tôi thêm hiểu, thêm yêu về thành phố. Và đến lượt mình, cũng mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để làm giàu thêm, tôn vinh thêm bề dày tinh thần nhân văn của thành phố chúng ta, của Thủ đô Hà Nội của chúng ta”
Quang cảnh buổi tọa đàm tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. |
Lối viết trong hai cuốn này đều ngắn gọn, ưu tiên đặc tả các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử gắn với Thăng Long trong giai đoạn từ thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XIX, đi kèm với những bình luận hóm hỉnh/ “Men theo dòng chảy lịch sử, bức tranh Thăng Long - Hà Nội được các tác giả tái hiện cô đọng trong hai thời đoạn ấn tượng, ghi nhận nhiều sự thay đổi sâu sắc, trong dấu tích văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội.”
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý: “Hai cuốn Thăng Long Kinh Kỳ Kẻ Chợ cho thấy độ khảo cứu rất kỹ và công phu. Ở đây tác giả nhằm đối tượng chính là các bạn đọc trẻ nên tác giả viết khá chắt lọc và gọn gàng, không sa đà vào diễn giải nhưng lại đủ cung cấp một lượng thông tin rất thú vị, với những câu chuyện về đời sống phong tục qua lăng kính của thời đại hiện đại. Cuốn sách không có sự nặng nề áp đặt bài học đạo lý. Cuối sách có niên biểu điểm lại các mốc thời gian để người đọc nhớ dễ hơn, cũng như có một vài thông tin bổ trợ. Làm niên biểu thực ra rất mất công, vì phải diễn đạt gọn mà đủ ý.”
Cuốn sách được biên soạn đầy tâm huyết, ngoài các bài ngắn như những lát cắt về con người, lịch sử, văn hóa nghệ thuật… cuốn sách còn có phần Niên biểu tóm lược các mốc thời gian quan trọng, gắn với các sự kiện nổi bật của Thăng Long - Hà Nội, giúp bạn đọc dễ theo dõi và tra cứu thêm.
Với bạn đọc trẻ hôm nay, dấu ấn Thăng Long - Hà Nội xưa sẽ còn được phục dựng trong suy tư, trong cả những trăn trở giữ gìn nét đẹp Hà Nội hơn một nghìn năm tuổi.