Sứ mệnh nhân sinh: Ra mắt tiểu thuyết "9X’09" của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang

DT
Chia sẻ
(VOV5)- Nguyễn Quỳnh Trang từng chia sẻ: “Đọc “9X’09” của tôi để thay đổi cuộc sống của các bạn.”
(VOV5)- Cuốn tiểu thuyết mới nhất “9X’09” của Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang (Đinh Tị và NXB Hội Nhà Văn ấn hành) vừa ra mắt.

Cuốn sách là góc nhìn độc đáo cũng như những chiêm nghiệm sâu sắc mà tác giả muốn dành tặng như một món quà dành cho các bạn trẻ, những con người đã và đang loay hoay đi tìm con đường để thoát khỏi những bế tắc của cuộc sống hiện đại.

Như Nguyễn Quỳnh Trang từng chia sẻ: “Đọc “9X’09” của tôi để thay đổi cuộc sống của các bạn.”

Cùng với sự ra đời của tác phẩm mới, buổi tọa đàm nhân sự kiện này diễn ra vào tuần trước cũng đánh dấu sự trở lại của cuốn tiểu thuyết “Nhiều cách sống” trong một diện mạo mới, như một minh chứng cho sức hấp dẫn, cuốn hút của văn phong Nguyễn Quỳnh Trang. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan từng nhận xét: “Điều gì làm nên sức lôi cuốn của một câu chuyện về cõi nội tâm? Là tính thành thật của câu chuyện đó. Nguyễn Quỳnh Trang cho thấy rõ trong tác phẩm này cái thiên hướng và năng lực của cô kể một câu chuyện lớn trong một quy mô nhỏ. Và rất khác về cách kiến tạo so với tiểu thuyết trước vốn cũng nhắm đến một chủ đề lớn”.

Đây cũng là dịp để tác giả cùng trao đổi với những người quan tâm xoay quanh chủ đề “Sứ mệnh nhân sinh”.

Sứ mệnh nhân sinh: Ra mắt tiểu thuyết "9X’09" của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang - ảnh 1

Phát biểu về quan điểm văn chương cũng như chủ đề trong những cuốn sách của mình, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang nói: “Trong từng cuốn tiểu thuyết, nhân vật của tôi luôn in hằn sự cô đơn, nỗi thống khổ đeo đẳng với nghi vấn: Tôi là ai? Trước khi sinh thành, tôi thế nào? Sau cái chết, điều gì xảy ra? Sứ mệnh tôi mang với kiếp người này là gì?... Ban đầu, nhân vật của tôi còn bế tắc, quẩn quanh trong việc kiếm tìm bản thân để có được hạnh phúc mà không tìm ra con đường đúng, sau đó buộc tìm đến cái chết như trong tiểu thuyết “1981” và “Nhiều cách sống”. Cho đến “Mất ký ức”, tôi dường như đã tìm được lối đi cho các nhân vật mình và đến “9X’09”, cuốn tiểu thuyết mới nhất sẽ phát hành vào ngày thơ Nguyên Tiêu, cũng là ngày Lễ tình yêu 14/02, tôi đã định hình được con đường cho việc tìm kiếm con người bản thể bên trong mỗi người. Có hiểu được trọn vẹn bản thân,  mới biết cái gì sẽ làm cho chính ta vui sướng trong cõi đời sinh ra đã mang nhiều nỗi đau khổ này.”

Sứ mệnh nhân sinh: Ra mắt tiểu thuyết "9X’09" của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang - ảnh 2
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang

“9X’09” được nhà văn Nguyễn Quỳnh  Trang sáng tác từ năm 2009, song song cùng việc viết cuốn “Mất ký ức”. Đến tháng 12 năm 2013, “9X’09” mới được hoàn thành.

Nhân vật của 9X’09 là những bạn trẻ sinh vào những năm 90 của thế kỷ trước, phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn bất thuận cho việc phát triển lành mạnh tâm sinh lý lứa tuổi đến từ gia đình, xã hội. Năm 2009, kinh tế thế giới sụp đổ, kéo theo sự khó khăn chất chồng của kinh tế Việt Nam, dưới sự quan sát của nhân vật chính tên Ken cùng em trai tên Shu và em gái tên Shi. Dù từng nôn thốc nôn tháo khi đọc các bài báo viết về các giá trị đạo đức nhân văn suy đồi diễn ra hàng ngày, mọi lúc mọi nơi, nhưng phản ứng của Ken là buông xuôi, chấp nhận và sống bám vào đòi hỏi vật chất.

“Tự an ủi mình như thế, trong khi tôi đang rờ rẫm từng bước chân ra phía cánh cửa sắt. Con đường duy nhất nối với thế giới bên ngoài, dù đó là khoảng không trống rỗng.

Xét ra cuộc đời đã qua của tôi tẻ nhạt đến nỗi chẳng có gì để bàn, nếu có xảy ra việc biến mất đột ngột không thể lý giải này của tôi, thì bố mẹ hay hai đứa em may chăng thảng thốt buồn bã chút, rồi lại trở về cuộc sống thường nhật.

Sinh ra rồi tan rã trên đời này, là chuyện thường của mỗi sinh linh, khi bước vào mỗi hành trình sống.

Mười chín năm chưa kịp hay chẳng muốn làm bất cứ thứ gì cho ai khác, đến tự chăm nom bản thân còn chưa đến đâu. Mỗi con người khi xuống cõi nhân gian này, thì phải có việc gì đó cần làm chứ? Có nhiều người loay hoay hỏi về sứ mệnh không? Hay chỉ có chạm chân vào tận cùng tuyệt vọng như tôi, mới bắt đầu hỏi rốt cuộc tôi tồn tại trong sự sống này để làm quái gì?” (trích 9X’09)…

 Nhiều lý giải về nhân sinh, sứ mệnh, cách thức vượt qua khổ đau đến với an lạc, hay làm sao để khơi dậy sức mạnh tiềm tàng từ trong bản thể, đứng vững, vươn lên trước mọi bất trắc cuộc đời… được thể hiện rõ trong tiểu thuyết “9X’09”.

Có thể nói, với 9X’09, Nguyễn Quỳnh Trang đã phát triển sự đào sâu cõi tâm thức đưa người đọc đi trên con đường tìm kiếm thế giới mới. Thế giới cội nguồn nằm trong bên trong mình. “Khi hiểu thấu bản thân bằng cách nhận thức thấu triệt từng khoảnh khắc hiện tại, bạn không chỉ làm chủ bản thân mà còn gây ảnh hưởng lớn đến con người sự vật xung quanh”. Là thông điệp mà Nguyễn Quỳnh Trang mang tới trong tác phẩm “9X’09”.

Sứ mệnh nhân sinh: Ra mắt tiểu thuyết "9X’09" của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang - ảnh 3
Ký tặng bạn đọc sách

Nguyễn Quỳnh Trang sinh năm 1981 tại Hà Nội. Đến với văn chương từ năm 7 tuổi cùng các sáng tác thơ in trên báo Nhi đồng, Thiếu niên và Hoa Học Trò, năm 2005 Nguyễn Quỳnh Trang bắt đầu viết truyện ngắn. Năm 2006, các truyện ngắn của chị được in trên các báo Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ Trẻ, Tiền Phong, Lao động, Tuổi trẻ. Năm 2006, truyện ngắn Nguyễn Quỳnh Trang xuất hiện trong hàng loạt tuyển tập: “Văn mới”, “Truyện ngắn 8X”, “Vũ điệu thân gầy”, “Độc thoại trên tháp nhà thờ”... Năm 2007, tiểu thuyết đầu tay “1981” của Nguyễn Quỳnh Trang ra mắt độc giả, bán hết trong hai tháng đầu sau khi phát hành. Cho đến nay, cuốn “1981” liên tiếp được tái bản, sao chép. Gần đây “1981” từng đứng thứ nhất trong top 5 danh sách tác phẩm “hot” của Apple Store.

* Thông tin tác phẩm:

- 1981 (Tiểu thuyết, Đông A - Nxb Văn học, 2007)

- Nhiều cách sống (Tiểu thuyết, Nhã Nam - Nxb Hội nhà văn, 2008)

- Cho một hành trình (Tập truyện ngắn, Nxb Văn học, 2009)

- 24 giờ (Tập truyện ngắn, Hà Thế & Nxb Văn học, 2011)

- Mất ký ức (Tiểu thuyết, Phương Nam & NXB Văn học, 2012)

- Đi về KHÔNG điểm đến (ký chân dung văn học, Phương Đông & NXB Công An Nhân Dân, 2013)

- 9x09 (Tiểu thuyết, Đinh Tị & NXB Hội Nhà Văn, 2014)

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu